Lõi pin độc hại thế nào?

GD&TĐ - Liên quan đến nghi án chủ cơ sở đã sử dụng các tạp chất, phế phẩm như đất, đá, vỏ cà phê rồi tẩm nhuộm với tạp chất, dư luận đang quan tâm liệu uống hỗn hợp trên gây hại cho sức khỏe thế nào?

Lõi pin độc hại thế nào?

Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết bột pin là chất độc hại, cấm sử dụng trong thực phẩm. Bình thường không ai người ta ăn phế liệu cả, đặc biệt là pin là thứ vứt bỏ, tiêu hủy...

Theo đó, người sử dụng loại thức uống có loại tạp chất này dễ bị nhiễm độc, có thể dẫn đến viêm thận, đau tim. Vì nếu đồ uống có lẫn than chì trong pin sẽ bị viêm thận, viêm cơ tim. Nếu người dùng muốn thải loại than chì ra khỏi thận thì phải cần 7 năm, còn muốn thải loại chất này khỏi xương cũng cần tới vài chục năm.

Còn Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia ) cho biết, trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín.... là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Nếu sử dụng thực phẩm nước uống nhiễm kim loại nặng gây ngộ độc cấp tính làm ảnh hưởng tới sức khỏe khôn lường, ngộ độc cấp tính nặng có thể gây thiệt mạng.

Ngoài ra, bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân, có biểu hiện vị kim loại nặng trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày chết vì suy thận.

Ngộ độc cấp bởi Asen (thạch tín), nạn nhân có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái.

Nhiễm độc chì cấp tính khi ăn uống phải một lượng chì 25 – 30g, nạn nhân lúc đầu có thể thấy vị ngọt, rồi chat, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, ỉa chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong.

Bên cạnh đó, cơ thể bị ngộ độc mạn tính thường bị nguy hiểm tính mạng do nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng nhiễm và tích lũy dần.

Theo bác sĩ Tiến, phần lớn trong cơ thể người các bộ phận như gan, thận, não tích lũy kim loại nặng rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu; có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sung lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây sảy thai ở phụ nữ có thai.

Các biểu hiện của ngộ độc mạn tính như: da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày ruột, đau mắt, đau tai, có asen trong nước tiểu, gây yếu dần và kiệt sức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ