Vụ "vay nóng tiền, bị mất đất": Cố tình tạo ra tranh chấp?

GD&TĐ - Người bị tố cáo trong vụ cho vay nóng 35 tỉ đồng sau đó chiếm đoạt hai mảnh đất, cho rằng đây là việc "cố tình tạo ra tranh chấp để lẩn tránh trách nhiệm khác" của người tố cáo.

Mảnh đất tại 230 Hồ Ngọc Lãm được rao bán trên các trang bất động sản
Mảnh đất tại 230 Hồ Ngọc Lãm được rao bán trên các trang bất động sản

Mới đây, ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986, ngụ KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM) có đơn tố cáo ông Nguyễn Phi Long (SN 1980, ngụ 150A, Tân Hòa Đông, phường 14, Quận 6) cho vay 35 tỷ đồng, bắt ký 2 hợp đồng giả cách chuyển nhượng, sau đó chiếm đoạt 2 khu đất trị giá gần 200 tỷ đồng.

Đó là mảnh đất số 230 Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, Bình Tân, TP.HCM) hiện do bà Trần Uyên Phương đứng tên chủ sở hữu. Ông Chung cho biết, ngày 1/8/2018, ông nhận chuyển nhượng của ông Lâm Hoàng (SN 1947, ngụ phường 8, Quận 11) khu đất gần 3000m2 ở địa chỉ trên với giá 70 tỷ đồng. Một phần tiền sau đó được ông Chung trả trước, phần còn lại là 26,5 tỷ đồng ông này hẹn trả tiếp vào trước ngày 11/1/2019.

Sắp đến ngày trả nốt số tiền nhưng không “xoay” đâu ra được, ông Chung đã tìm gặp ông Nguyễn Phi Long và được giới thiệu vay nóng 35 tỷ đồng từ bà Trần Uyên Phương.

Để chắc chắn, ông Chung phải yêu cầu ông Lâm Hoàng kí hợp đồng bán đất cho bà Trần Uyên Phương. Bên cạnh đó, ông Chung cũng phải giao "sổ đỏ" một mảnh đất khác cho ông Nguyễn Phi Long giữ. Tuy nhiên, theo nội dung ông Chung khởi kiện trước đó, khi ông liên hệ để trả nợ vay thì phía cho vay phủ nhận quan hệ vay nợ.

Trao đổi với báo chí về nội dung đơn thư, ông Nguyễn Phi Long cho biết trong giao dịch mảnh đất rộng 3000m2 tại địa chỉ 230 Hồ Ngọc Lãm, ông Long là người môi giới cho bên mua là bà Trần Uyên Phương còn ông Chung là môi giới cho bên bán là ông Lâm Hoàng. Việc giao dịch tự nguyện theo thỏa thuận giữa hai bên. Các thủ tục mua bán đã hoàn tất từ lâu và mảnh đất được sang tên cho bà Phương.

Theo ông Long, nội dung tố cáo của ông Chung là không đúng sự thật. Theo ông Long cho biết, vào năm 2019, ông Chung cũng đã làm đơn kiện mình và việc làm của ông Chung lần này là do có người xúi giục và cố tình tạo tranh chấp.

"Còn việc Chung thế chấp sổ đỏ mảnh đất khác cho tôi là do Chung khó khăn, mượn tôi mấy tỉ và để làm tin Chung đã giao sổ cho tôi cầm. Đến nay tôi chưa lấy một đồng lãi nào của Chung, chứ nói gì là cho vay nặng lãi", ông Long cho biết.

Cũng theo ông Long, sự việc mảnh đất 230 Hồ Ngọc Lãm trở nên phức tạp khi ông Chung được ủy quyền đi làm các thủ tục giấy tờ tách thửa. Theo lời ông Long, trong thời gian này, ông Chung đã rao bán từng thửa nhỏ trong mảnh đất này, nhận cọc của nhiều người.

"Người ta đòi tiền dữ quá, nên Chung cố tình tạo ra tranh chấp để thoái thác nghĩa vụ trả tiền. Các vụ thưa kiện đều nhằm mục đích này", ông Long cho hay.

Thực tế, hiện trên các trang mua bán bất động sản vẫn có rất nhiều tin rao bán 29 lô đất tại khu đất 230 Hồ Ngọc Lãm, nhưng chưa rõ người bán.

Trong khi đó bà Trần Uyên Phương cho biết bản thân bà "không biết ông Chung là ai" và việc mua bán bất động sản trên là có thật, hợp pháp, đây là quan hệ dân sự, tranh chấp giữa các bên đang được Tòa thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật.

Bà Phương khẳng định, sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền để làm sáng tỏ vụ việc. Ai sai sẽ có pháp luật phân giải và người đó phải chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình. 

"Các cá nhân tố cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để làm sáng tỏ sự việc", bà Phương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.