Vụ trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp cho hay, nếu cố ý tráo con có thể bị phạt tù từ ba năm đến chung thân; trường hợp vô ý,người thực hiện hành vi có thể bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ, bệnh viện có trách nhiệm phải bồi thường cho 2 gia đình.

 Vụ trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Liên quan tới việc anh Phùng Giang Sơn (sinh năm 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình sau khi sinh, nhiều người đặt nghi vấn, trong vụ việc này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, vụ việc sẽ được xử lý như nào?

Bệnh viện có trách nhiệm phải bồi thường cho 2 gia đình

Trường hợp đối với lỗi cố ý, thì căn cứ Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) ( luật áp dụng vào thời điểm diễn ra hành vi): “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”, người có hành vi tráo con của 2 gia đình có thể bị phạt tù thấp nhất từ ba năm đến mười năm, cao nhất từ mười năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến  năm năm.

Trường hợp hành vi giao nhầm con do lỗi vô ý, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ, đồng thời bệnh viện có trách nhiệm phải bồi thường cho 2 gia đình theo Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2005:

“Điều 618. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, theo luật sư Thái, bệnh viện có trách nhiệm bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.

Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường cả về vật chất lẫn tinh thần. Về mặt vật chất như: chi phí giám định AND, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch, thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ,..Bên cạnh đó bệnh viện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần như vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ, mâu thuẫn, vì phải chịu lời đàm tiếu của người xung quanh, suy sụp, đau khổ, lo lắng,…

Để được nhận lại con, cần những thủ tục gì?

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, trường hợp không có tranh chấp về việc nhận con, căn cứ Điều 25 Luật Hộ tịch, thủ tục đăng ký nhận con là: Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con cần phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch, khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Theo luật sư Thái, trường hợp không có văn bản này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Luật sư Thái cũng thông tin riêng về trường hợp tranh chấp về việc nhận con, liên quan đến vụ việc này, thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân huyện nơi người yêu cầu cư trú, cụ thể ở đây là TAND huyện Ba Vì.

Luật sư Thái cho rằng, trước hết, chủ thể có thẩm quyền phải làm đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu lên Tòa án để giải quyết việc xác định quan hệ cha, mẹ, con. Việc xác nhận quan hệ cha, mẹ, con sẽ căn cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Thời gian giải quyết vụ án xác định quan hệ cha, mẹ, con khi có tranh chấp có thể kéo dài từ 04 đến 06 tháng hoặc thậm chí một năm hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào tính chất phức tạp của vụ án cũng như phụ thuộc vào các chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con và các sự kiện phát sinh kể từ khi làm đơn khởi kiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ