Anh ta lần thứ ba đánh trốc một cái cạn ly rượu đế, rồi gục hẳn trên bàn, đôi vai run run, giọng khan đặc. Lúc đó, tác giả nghĩ, có lẽ nước mắt đang chặn ngang cổ họng anh ta.
Một lượng vàng để hủy hoại một nhan sắc
Mạnh kể với tác giả: “Đêm hôm đó, tôi được cả hai mụ đàn bà nhiều tiền của và thế lực nhờ làm một việc như những gì tôi mô tả lại. Tôi từng nói với anh rằng, tôi cặp bồ với cháu gái của mụ Chín Đen, cũng như tôi từng là “đệ tử ruột” của lão Đại Lợi.
Từ đầu mối đó, tôi quen được với mụ vợ tay trung tá Trần Trọng Thức. Trước đêm định mệnh đó, hai người đàn bà này đã gặp trực tiếp tôi, nhân danh điều mà họ gọi là “bảo vệ hạnh phúc gia đình” đưa cho tôi một lượng vàng, yêu cầu tôi làm đúng một việc mà theo họ thì tôi thừa sức làm trong 30 giây. Đó là hủy hoại nhan sắc của Cẩm Nhung…”.
Khuôn mặt xinh đẹp của vũ nữ Cẩm Nhung bị hủy hoại bằng axít. |
Mạnh tiếp tục kể: “Anh biết rồi đó, tôi là một thằng giang hồ, tay đã từng nhuốm máu, đã từng không từ chối bất cứ cuộc đâm thuê, chém mướn nào. Thế nhưng, không hiểu vì sao lúc đó tôi lại thẳng thừng từ chối. Mặc dù vậy, tôi rất ân hận và cảm thấy bản thân mình thật hèn hạ. Phải chi tối hôm đó, tôi dũng cảm ngăn chặn âm mưu tội ác của họ một cách quyết liệt và dứt khoát, chứ không lẳng lặng bỏ đi, mặc cho tội ác xảy đến…”.
Khi kể đến đây, Mạnh đã uống xong ly rượu đế thứ ba. Nhưng bất ngờ, Mạnh đứng dậy chìa tay ra cho tôi bắt rồi nói một cách dứt khoát: “Tôi đã nói hết rồi. Cuộc lánh mặt, trốn tránh của tôi cũng coi như là chấm dứt từ ngày hôm nay. Tôi đã nhẹ hẳn lương tâm khi trút bỏ nó ra được với anh, một nhà báo đã theo sát sao vụ thảm án của cô vũ nữ Cẩm Nhung từ lâu nay. Tôi chỉ xin anh từ nay nếu có nhắc tới Mạnh “cầu muối” này thì cũng xin cho nó nửa câu”.
Là thằng giang hồ không chừa bất cứ tội ác nào, nhưng riêng vụ Cẩm Nhung thì hắn không nhúng tay nhưng vẫn nhận được tiền công. Điều duy nhất khiến hắn ân hận là đã hèn nhát, không đủ dũng khí để ngăn chặn một âm mưu tội ác đã biết từ trước. Hai người đàn bà nhiều tiền của và quyền lực kia đã nhân danh một thứ, thật ra là ngụy biện, đó là hạnh phúc gia đình họ, để hủy diệt đối thủ mà họ cho rằng có khả năng khiến họ mất hạnh phúc.
“Tôi nói thiệt với anh, tôi nhổ nước bọt vào họ, tôi coi khinh họ. Vào lúc này đây, tôi sẽ nhổ nước bọt vừa nói thẳng rằng lũ đó là đồ đạo đức giả. Họ chính là những tên đồ tể nhân danh điều tốt đẹp để hành động. Tôi cảm ơn anh và coi như từ nay thằng Mạnh “cầu muối” này vĩnh viễn bị xóa sổ…”, Mạnh nói thêm.
Tác giả thừ người ra trước những câu nói của anh chàng. Quả thật lúc đó, tác giả hơi bị chậm, không kịp phản ứng gì, trước khi Mạnh biết mất hỏi con hẻm phía sau vựa cá Cầu Ông Lãnh. Sài Gòn về khuya lạnh và vắng. Nhưng khi tác giả đi bộ theo cái bóng liêu xiêu của Mạnh phía trước thì cảm nhận được rằng: “Sài Gòn lúc nào cũng đầy ánh sáng, nhiều màu sắc. Nhưng nó vẫn thiếu một chút ánh sáng của sự bình yên…”.
Tác giả trở lại con đường lúc chiều đã ngồi xích lô để đến chỗ hẹn với Mạnh, từ từ qua mấy con đường vắng nữa, rồi như vô thức, tác giả bước chậm qua một con phố quen thuộc, đường Cô Bắc.
Tội ác “trời không dung, đất không tha”
Con đường nhỏ này nằm sát bên hông chợ Cầu Muối và chạy thẳng tới đầu kia, mà từ khi đặt chân lên đất Sài Gòn, ngày nào tác giả cũng đi bộ mấy lượt. Đường Cô Bắc thời Pháp được mọi người biết đến với cái tên Dumortier. Con đường này từ hơn nữa năm nay luôn luôn được báo chí nhắc tới bởi nó liên quan tới vụ án tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung.
Nửa giờ sau, tôi rẽ sang một con đường nhỏ khác mang tên Nguyễn Khắc Nhu, con đường này trước kia cũng mang một cái tên Tây như hầu hết các con đường Sài Gòn xưa. Tôi nhìn ra dòng chữ bằng đèn neon đang chớp tắt phía bên kia đường Gallíeni – Trần Hưng Đạo.
Hình ảnh một bài báo về vụ án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung. |
Cái bảng chữ neon ấy nổi bật rõ ràng dòng chữ lớn Indocomptoire, là tên một hãng buôn cỡ bự, chuyên nhập khẩu phụ tùng xe ô tô và xe máy của một nhà tỷ phú từng được ca tụng là đã làm giàu từ cái nghề ngồi sửa xe đạp bên vệ đường, đó là ông Nguyễn Thành Niệm.
Tác giả đi hết đường Nguyễn Khắc Nhu thì quẹo phải. Hình như theo quán tính, tác giả dừng lại ngay đầu một con hẻm nhỏ, bên cạnh một ngôi nhà khá lớn nằm khuất sau những cây cổ thụ, mà ai cũng biết đó là Dancing Auchalet (sau này từng có thời là trạm xăng Thiên Tân). Và tác giả giật mình, đúng là nơi đây rồi, nơi cô vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit gục ngã!.
Sở dĩ tác giả phải nói dông dài như vậy là bởi tác giả muốn cho mọi người thấy toàn bộ bối cảnh trước khi thảm án xảy ra. Khiến cho một cô gái đang ở tuổi thanh xuân bị hủy hoại đi phần đời hoa mộng của mình. Và kể từ đó, chúng ta thấy rằng trên đời này không phải những gì nhân danh cho sự tốt đẹp, cho đạo đức hay hạnh phúc cũng là đều chân lý. Tác giả là người sống cùng thời với vũ nữ Cẩm Nhung.
Ngày đó, tuy cũng đôi lần bước chân vào các vũ trường, đặc biệt là vũ trường Kim Sơn nơi Cẩm Nhung hành nghề, nhưng chưa một lần nào có chút gì đó dính dáng, dẫu sơ giao với cô vũ nữ tài sắc ấy. Nhưng sau hơn nữa thế kỷ, tác giả vẫn nhất định cho rằng, hành động trả thù dã man với một cô gái chân yếu tay mềm của những người kia là tội ác “trời không dung, đất không tha!”.
Có thể khi tác giả nói ra điều này, sẽ có rất nhiều người, đặc biệt là quý bà, quý cô có chồng “đào hoa” sẽ chửi vào mặt cho rằng: “Tác giả là kẻ rỗi hơi đi bên vực hạng đàn bà chuyên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác”.
Nhưng dẫu có bị phanh thây, tác giả vẫn đứng về phía nạn nhân Cẩm Nhung. Bởi hơn ai hết, tác giả hiểu rất cặn kẽ, sâu xa hoàn cảnh sống của cô ấy. Cũng như qua hơn nửa thế kỷ hành nghề viết lách của mình, tác giả đã thấm thía một điều rằng: “Khi nhân danh hạnh phúc để hủy hoại mạng sống của người khác thì mình cũng sẽ không bao giờ nắm giữ được hạnh phúc ấy”.
Tác giả đã sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ rồi, đã chứng kiến phút giây kinh hoàng của cái đêm mà “nếu không có nó trên cõi đời này thì tốt hơn”- đêm 18/7/1961.
Đêm ấy, có một người gục xuống trước đầu con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà bé nhỏ của mình đối diện con hẻm nổi tiếng Nguyễn Văn Dụng (nằm cạnh hãng đúc Nguyễn Văn Dung) dẫn tới cái xóm cũng nổi tiếng không kém, đó là xóm Sáu Lèo. Cái đêm kinh hoàng mà mãi hơn nửa thế kỷ sau, dẫu đã từng chứng kiến thêm bao nhiêu điều ghê rợn khác, tác giả vẫn không thể nào quên được.
Hồi đó, căn nhà tác giả ở trọ ăn thông qua hẻm Nguyễn Văn Dụng, cách nơi xảy ra thảm án chỉ hơn 300m (hẻm 102 Arras tức Cống Quỳnh ngày nay), từ đó quẹo trái thì qua xóm Sáu Lèo, còn quẹo phải thì qua đúng chỗ vũ nữ Cẩm Nhung bị hạ gục bởi một lon axit do kẻ thủ ác chuẩn bị trước và đón lõng nạn nhân ở đó.
Đêm ấy, lúc 22h, cả xóm nhà tôi xôn xao hẳn lên, thiên hạ kéo nhau chạy rầm rập qua cây cầu ván gập ghềnh của khu xóm Sáu Lèo và tập trung đông nghẹt trước đầu hẻm, nơi vừa xảy ra thảm án.
(Còn nữa...)
Nhà văn H.T.Đ.