Vụ tai nạn 7 người chết ở Lang Chánh (Thanh Hóa): Bỏ lại con thơ cùng gian khó

GD&TĐ - Trời tối, đường dốc, đổ đèo… chiếc xe chở nặng đã đâm vào vách taluy dương. 7 người trên xe đều không qua khỏi. Nhiều người trong đó là mẹ đã mãi mãi ra đi để lại những đứa con thơ đang tuổi đến trường.

Gia đình lo tang lễ cho người bị nạn.
Gia đình lo tang lễ cho người bị nạn.

6 miệng ăn không còn “cậy nhờ” được người xấu số

Trưa 23/3, chúng tôi có mặt ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Vùng quê nghèo khó bao trùm bởi sự ảm đạm, tang thương. Rất đông người dân tạm gác mọi công việc đến chia buồn, phụ giúp các gia đình có nạn nhân.

Trong hai ngôi nhà của nạn nhân Lê Thị Cảnh (37 tuổi, dân tộc Thái) và Phạm Thị Bích (dân tộc Mường) nhìn đâu cũng thấy nước mắt. Chị Cảnh, chị Bích ra đi, để lại những đứa con thơ chưa đủ tuổi để cảm nhận được nỗi đau mất mẹ.

Anh Lê Phi Mạnh (SN 1979), chồng nạn nhân Lê Thị Cảnh ngồi bất động. Đôi mắt anh vô hồn, hai tay ôm chặt đứa con trai 3 tuổi. Có lẽ, đến bây giờ, anh Cảnh vẫn chưa tin đó là sự thật.

“Gia đình tôi mới thoát nghèo được vài năm nay. Biết là công việc bốc gỗ keo rất vất vả, nhưng vì nghèo nên phải làm. Ngoài 2 đứa con đang tuổi ăn học, còn có mẹ già và người chị gái bị bệnh. Ba năm nay, cả gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề bốc gỗ keo thuê. Chủ xe thường đến đón tại nhà, sau khi bốc xong gỗ, chúng tôi được trả tiền công rồi cùng theo xe về, khi đi qua gần nhà thì xuống.

Cách đây 2 tháng, trong một lần đi bốc gỗ keo, tôi bị tai nạn dập mất một ngón tay, nên phải nghỉ ở nhà. Vì vậy, thời gian gần đây, cả 6 miệng ăn của gia đình đều trông chờ vào thu nhập của vợ. Giá mà hôm qua, vợ tôi đi xe máy, thì có lẽ đã không sao rồi”, anh Mạnh chia sẻ

Nhìn đứa con trai 3 tuổi của anh Mạnh vẫn hồn nhiên chơi đùa, mà nhiều người không cầm nổi nước mắt. “Ngôi nhà lá này vợ chồng tôi phải vay mượn, dành dụm mãi mới làm được. Gia đình vừa mới vượt qua gian đoạn khổ cực, thì vợ tôi lại gặp nạn”, anh Mạnh đau đớn.

Con dâu “nằm xuống” bỏ lại hai đứa trẻ

Còn bà Lương Thị Khôi (SN 1965), mẹ chồng nạn nhân Lê Thị Thi (33 tuổi, dân tộc Thái), không cầm được nước mắt, bảo rằng: “Tối qua, tôi nhận được hung tin. Lúc ấy, tôi chẳng thể tin vào tai mình nữa. Cái Thi là người chịu khó lắm! Vợ chồng chúng nó nghèo khó, nên phải đi bốc vác gỗ keo thuê kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi con.

Con dâu tôi thường hay đau đầu vì có bệnh. Hôm qua, tôi đã bảo con dâu đừng đi. Nhưng nó bảo con không đi thì lấy tiền đâu cho các con ăn học. Bình thường, 2 vợ chồng chúng nó cùng đi với nhau, nhưng hôm vừa rồi, có ít việc, nên cái Thi đi một mình. Bây giờ, con dâu nằm xuống, bỏ lại 2 đứa con của nó (1 cháu 12 tuổi và 1 cháu 6 tuổi) không biết phải sống như thế nào đây”.

Anh Hà Văn Chiến (SN 1988), chồng chị Thi, kể: “Do thu nhập từ ruộng vườn không đủ trang trải cho cả gia đình, nên nhiều năm nay ai thuê gì chúng tôi làm nấy. Hai năm qua, vợ chồng tôi đã gắn với công việc bốc gỗ keo thuê.

Hôm qua do ít việc, nên tôi đi vào rừng tìm ong. Sắp tới mùa ong, tôi định sẽ cho vợ nghỉ ở nhà chăm con, làm nương rẫy, còn mình lên rừng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Ai ngờ, vợ tôi lại bị nạn và rời xa chồng, con…”.

Cách đó không xa, tại bản Giàng Vìn (xã Trí Nang), đám tang của nạn nhân Lê Minh Lá (59 tuổi) và Lê Thị Sơn (49 tuổi), là 2 anh em họ hàng thân thích, khiến ai chứng kiến cũng nghẹn ngào, đau xót.

Chị Lê Thị Thủy (SN 1994), con gái bà Lê Thị Sơn, kể lại trong nước mắt: “Hôm đó, vợ chồng tôi cùng đi bốc gỗ keo với mẹ ở xã Yên Thắng. Do nhà ở xa, nên 2 vợ chồng tôi về trước bằng xe máy. Vừa về nhà được một lúc thì tôi nhận được điện thoại của bố báo rằng, mẹ bị nạn”.

Theo chị Thủy, bà Lê Thị Sơn bị tật ở 3 ngón tay trái, lại bị bệnh tim. Trước đây, bà Sơn chỉ làm công việc đồng áng. Nhưng hai năm nay, do kinh tế gia đình khó khăn, nên bà Sơn phải đi bốc vác gỗ keo thuê, kiếm thêm thu nhập.

Cách đây không lâu, trong lần đi chăn trâu, ông Lê Minh Dũng (SN 1972, chồng bà Sơn) bị ngã, nứt xương sọ. Nằm viện được một thời gian, nhưng do quá tốn kém nên gia đình phải đưa ông Dũng về nhà điều trị. Còn bà Sơn hàng ngày phải đi làm thuê, để kiếm tiền mua thuốc cho chồng.

Anh Lê Phi Mạnh (SN 1979), chồng nạn nhân Lê Thị Cảnh đau đớn khi vợ gặp nạn.
Anh Lê Phi Mạnh (SN 1979), chồng nạn nhân Lê Thị Cảnh đau đớn khi vợ gặp nạn.

Nhiều gia đình có con nhỏ là học sinh

Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã gửi lời thăm hỏi, động viên tới gia đình các nạn nhân. Ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Cũng theo ông Hùng, bước đầu, UBND xã Trí Nang hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong ở xã (5 người), mỗi gia đình 2 triệu đồng. UBND huyện Lang Chánh cũng kịp thời hỗ trợ mai táng phí cho các gia đình nạn nhân, với mức 5,4 triệu đồng/trường hợp. Ngoài ra, Ban An toàn giao thông, Hội Chữ thập đỏ huyện Lang Chánh cũng hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình nạn nhân.

“Trong số 7 nạn nhân thiệt mạng, thì có 5 người ở xã Trí Nang. Những người này đều là anh em, họ hàng thân thích rủ nhau đi làm thuê. Nhiều gia đình thuộc diện khó khăn và có con nhỏ, đang là học sinh”, ông Hùng cho biết thêm.

Hầu hết các nạn nhân đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định và là trụ cột gia đình. Liệu rằng có phép màu nào sẽ khiến khó khăn của họ vơi đi trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đình – chùa Câu Nhi là những nơi còn lưu giữ dấu tích về Tiến sĩ Bùi Dục Tài.

Tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong

GD&TĐ - Từ một thiếu niên không được đi học, không biết chữ nhưng chỉ 12 năm đèn sách đã đỗ Tiến sĩ, trở thành nhà khoa bảng đầu tiên của xứ Đàng Trong.

Khi con khóc đòi hỏi vô lý, bố mẹ hãy lắng nghe và giải thích cho con hiểu vì sao đòi hỏi đó được hay không. Ảnh minh họa: INT.

Tuyệt chiêu 'trị' con khóc nhè nơi công cộng

GD&TĐ - Ở chỗ đông người, “vũ khí” của trẻ nếu muốn đòi hỏi yêu cầu gì đó thường là khóc nhè. Vậy nên, nhiều cha mẹ tỏ ra bối rối, dẫn đến thỏa hiệp với con.