Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải: VIWASUPCO đã vô cảm!

GD&TĐ - Sự cố ô nhiễm nước sinh hoạt do Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO) cung cấp bị phát hiện đã được một tuần. Trong khi hàng vạn người dân Thủ đô hoang mang, lo lắng thì đại diện Công ty VIWASUPCO vẫn loanh quanh giải thích và “nếu sai thì xin lỗi”. UBND TP Hà Nội đã chứng minh nguồn nước do VIWASUPCO cung cấp không an toàn với sức khỏe người dân.

Trong đêm 15/10, người dân Hà Nội “rồng rắn” chờ lấy nước sạch
Trong đêm 15/10, người dân Hà Nội “rồng rắn” chờ lấy nước sạch

Hơn 2.000 cuộc điện thoại xin cấp nước

Sáng 16/10, đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về việc hỗ trợ cấp nước cho vùng ảnh hưởng sự cố cấp nước mặt sông Đà, từ 16 - 21 giờ ngày 15/10, Công ty đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ cấp nước.

Đơn vị đã huy động 7 xe téc chở cấp nước miễn phí đến cụm dân cư suốt đêm. Công ty vận hành tối đa nguồn nước dự phòng, mở cửa 4 nhà máy nước sạch tại Mai Dịch, Hạ Đình, Pháp Vân và trạm Quỳnh Mai để người dân vào lấy nước tự do.

Sáng 16/10, công ty tiếp tục cử cán bộ trực điện thoại xuống hiện trường để hỗ trợ cấp nước. Tuy nhiên, do các lái xe stec đã chạy suốt đêm, lượng xe hạn chế, khoảng cách di chuyển xa, cộng với giao thông đông đúc, trong khi nhu cầu gọi hỗ trợ lớn quá tải nên chỉ cấp nước theo thứ tự cuộc gọi.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ trong đêm 15/10, hàng nghìn hộ dân tại nhiều khu chung cư như An Khánh (Hoài Đức), Linh Đàm (Hoàng Mai), khu chung cư Hoàng Đạo Thúy… khi biết tin sẽ có xe téc chở nước sạch đến toà nhà mình, nhiều người đã mang xô, chậu xuống để lấy nước ăn.

Ngày 16/10, ông Nguyễn Hữu Tới - Giám đốc Công ty CPVIWACO, đơn vị đang mua khoảng 200.000 m3 nước sạch/ngày từ nhà máy sông Đà - cũng ký Thông báo 1602 gửi khách hàng và UBND các phường, xã khu vực phía Tây Nam Hà Nội về việc dừng cấp nước sạch.

Thông báo cũng cho biết, một số khu vực đang được đấu nối nguồn nước sạch dự trữ của Hà Nội như các xã thuộc huyện Thanh Trì; các phường Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt thuộc quận Hoàng Mai; phường Thanh Xuân Nam, khu vực Phùng Khoang, Kim Giang và một phần phường Khương Đình, quận Thanh Xuân sẽ không bị mất nước.

Trong sáng 16/10, Công ty VIWASUPCO cũng có Văn bản 446 thông báo tiếp tục tạm ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà gửi tới UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội và khách hàng. Trong thời gian thau rửa bể chứa, súc xả toàn bộ đường ống, công ty phải tạm ngừng cấp nước. Sau khi hoàn thành súc xả, công ty sẽ thông báo về thời gian cấp nước trở lại.

Có thể lọc styren bằng than hoạt tính

Không chỉ khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt, những người dân trong vùng bị ảnh hưởng khi sử dụng nước do Công ty VIWASUPCO cung cấp lo lắng về sức khỏe trước thông tin hàm lượng chất styren.

Các mẫu xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 - 3,65 lần. Do đó, UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Thông tin với Báo GD&TĐ, Thạc sĩ Vũ Văn Tú - Phòng Phân tích Chất lượng Môi trường (Viện Công nghệ Môi trường Việt Nam) cho biết, styren là chất hữu cơ độc hại, nhẹ hơn nước, không tan trong nước. Styren có công thức hóa học là C6H5CH=CH2. Đây là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polymer khác (cụ thể là các sản phẩm như hộp xốp đựng thức ăn, cao su, chất dẻo...). Đặc biệt, chất này thường được sử dụng để tẩy rửa động cơ, làm sạch dầu thải, dung môi pha chế sơn.

Trước thông tin nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng styren vượt quá mức quy định, Thạc sĩ Vũ Văn Tú cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì có thể xử lý, lọc styren trong nước sinh hoạt bằng than hoạt tính. “Mọi người nên sử dụng các thiết bị, cột lọc có chứa than hoạt tính để loại bỏ styren trong nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày”, Thạc sĩ Tú nói.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, sau khi kiểm tra khu vực đầu nguồn tại khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cho thấy có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy), một số cán bộ của Công ty VIWASUPCO có phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP Hà Nội.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, nếu phía Công ty VIWASUPCO biết có dầu thải tràn vào nguồn nước, chất lượng nước không bảo đảm, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật.

“Khi phát hiện ra sự việc thì việc cần thiết là ngưng cấp nước để cho dòng chảy trở về với hiện trạng ban đầu bởi vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của nhiều người. Nhưng không hiểu vì sao mà Công ty VIWASUPCO vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ đô. Theo tôi, đó là một sự vô cảm, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân”, luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài những thiệt hại về tinh thần, sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, thì những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.

Mới đây, Bộ TN&MT vừa có Văn bản số 5259/BTNMT-TCMT gửi UBND tỉnh Hòa Bình về việc kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin về vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước. Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin vụ việc báo chí đưa tin nêu trên; trong đó điều tra, làm rõ việc xả trộm dầu thải trái phép nêu trên.

Đồng thời, giao Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình trong quá trình kiểm tra, xác minh nếu phát hiện tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm, đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.