Vũ Ngọc Phan - DANH NHÂN VĂN HÓA hiện đại

GD&TĐ - Danh nhân văn hóa Vũ Ngọc Phan (1902 – 1987 ) là một nhà văn hóa lớn, một trí thức yêu nước. Nhà văn đã để lại khối lượng đồ sộ, hơn 10.000 trang tác phẩm. Tiêu biểu là các tập” Nhà văn Việt Nam hiện đại”, “Tục ngữ ca dao Việt Nam”...

Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan -  năm 1958 
(Hàng trước: Bà Hằng Phương, ba người con và Nhà văn Vũ Ngọc Phan; 
Hàng sau: Bốn người con và con rể, người đeo kính, chồng bà Giáng Hương)
Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan - năm 1958 (Hàng trước: Bà Hằng Phương, ba người con và Nhà văn Vũ Ngọc Phan; Hàng sau: Bốn người con và con rể, người đeo kính, chồng bà Giáng Hương)

Vũ Ngọc Phan được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,thành phố Đà Nẵng đã có đường mang tên Vũ Ngọc Phan. Gia đình ông là gia đình văn hóa nổi tiếng có những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Tình cờ tôi được gặp và làm quen với kiến trúc sư Vũ Ngọc Phương, chủ tịch Trung ương hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam trong một cuộc hội thảo. Ông là con trai út của nhà văn Vũ Ngọc Phan. Qua trao đổi, ông cho biết họ Vũ của ông quê gốc ở làng Đông Cao, xã Đông Cứu,huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh, dưới chân núi Thiên Thai. Thế rồi qua tìm hiểu,qua những tư liệu mà ông Vũ Ngọc Phương cung cấp tôi muốn kể về nhà văn Vũ Ngọc Phan và gia đình của nhà văn, một gia đình trí thức yêu nước.

Chi họ Vũ định cư ở làng Đông Giang đến nay đã 425 năm. Ông nội của nhà văn là cụ Vũ Cẩn, đỗ cử nhân triều Nguyễn, làm chức Thị lang triều Nguyễn, Đốc học Bắc Ninh. Khi cụ mất hàng ngàn học trò đưa tang, áo tang trắng cả một vùng đồi Nác, nay thuộc phường Đại Phúc thành phố Bắc Ninh. Mộ cụ Vũ Cẩn vẫn còn địa điểm cũ, hiện nằm tại sân trường, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Người cha của nhà văn là cụ Vũ Kì Sâm(1009 -1028), đỗ tú tài làm đến huấn đạo Phủ Cừ, Hưng Yên.

Vũ Ngọc Phan, thuở nhỏ theo học chữ Hán sau chuyển sang học chữ Pháp. Ông kết duyên với nữ thi sỹ Hằng Phương. Năm1929, Vũ Ngọc Phan đỗ Tú tài toàn phần, được Toàn quyền Pháp bổ làm quan, nhưng ông không nhận mà chọn nghề viết văn, làm báo, dạy học để nuôi gia đình,một gia đình đông đúc gần 20 thành viên. Cả nhà ông sống trong cảnh bần hàn. Nhà văn là một trí thức yêu nước. Ông sớm tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1930, ông là dịch giả đầu tiên dịch bộ Tư bản của Karl Mark ra tiếng Việt. Ông cùng Phan Bôi, Hoàng Hữu Nam viết tập sách “ Những trận đánh Pháp”. Ông bị thực dân Pháp bắt và bị quản thúc tại Hà Nội.

Vũ Ngọc Phan với nữ thi sỹ Hằng Phương đều tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa trong Mặt trận dân chủ Đông Dương và hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (1936 -1939) cùng với các ông Phan Thanh,Võ Nguyên Giáp. Bà Hằng Phương là một trong năm người thành lập hội Phụ nữ cứu quốc, tiền thân của Hội liên hiệp Việt Nam.

Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan có tất cả 10 người con, ba người con mất khi còn nhỏ do điều kiện khó khăn, thiếu thốn trong kháng chiến chống Pháp. Bảy người con còn lại của hai ông bà đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đều giữ được gia phong thanh liêm, chính trực của truyền thống gia đình. Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều biết đến các người con của ông, bà Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương. Đó là:

1. Giáo sư, Họa sỹ Vũ Giáng Hương (1929 – 2011), Chủ tịch Ủy Ban toàn quốc Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Bà là trưởng nữ, từ nhỏ phải trông các em, làm việc nhà. Cha bà đã dạy bà học. Bà đã tham gia vào kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cũng như tất cả những biến đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam. Bà đã chứng tỏ là một nhà trí thức lớn được trong nước và nước ngoài coi trọng. Bà cũng trải qua nhiều chức vụ trong ngành Văn hóa, Văn nghệ Việt Nam được sự kính trọng của giới văn nghệ sỹ Việt Nam. Bà để lại nhiều tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

2. Liệt sỹ Vũ Hoài Tuân (1932 – 1979), cán bộ cao cấp, chuyên gia vũ khí nguyên tử đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông tham gia làm quân báo của quân đội nhân dân Việt Nam từ khi còn rất ít tuổi. Trong chiến dịch Điện Biên, ông chỉ huy đánh cứ điểm C1. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã công tác Bộ tư lệnh tiền phương Quảng Trị và nhiều nơi chiến sự ác liệt. Trong thời gian làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông được ủy quyền thay mặt Đại tướng dự hội nghị quốc phòng và bất ngờ hy sinh trong tai nạn máy bay ngày 15/3/1979 tại Đà Nẵng.

3. Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng (1936 – 2008), Chủ tịch Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa, nguyên Thứ trưởng Bộ nông nghiệp. Ông được Đảng, Nhà nước cử đi học về nông nghiệp tại nước ngoài sau chiến dịch biên giới 1950. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành về Nông nghiệp Việt Nam, được giải thưởng Hồ Chí minh đợt II và nhiều giải thưởng hàng đầu về Nông nghiệp Quốc tế. Ông được giới khoa học Quốc tế bầu là phó Chủ tịch Hội đồng khoa học quốc tế.

4.Chuyên gia cao cấp cơ khí Vũ Huyền Giao (1937), ông cùng với người anh Vũ Tuyên Hoàng đi học nước ngoài sau thời kỳ 1950. Ông học về cơ khí và sau này là một trong những chuyên gia hàng đầu về động cơ của Bộ Công nghiệp nặng ( sau này đổi tên là Bộ Cơ khí và Luyện kim).

5. Phó Giáo sư Vũ Phi Hồng (1941), bà là thứ nữ, chuyên về văn học và triết học. Bà tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học lớn trong nước.

6. Giáo sư Vũ Triệu Mân (1944), ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành về Bảo vệ thực vật. Ông là cán bộ giảng dạy tại Đại học Nông nghiệp Việt Nam và một số trường đại học ở nước ngoài.

7. Kiến trúc sư Vũ Ngọc Phương (1950), ông được Đảng – Nhà nước đào tạo làm cán bộ trong thời kỳ đổi mới. Ông tham gia một số công tác đặc biệt thời kỳ này, ông cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực chính trị, hành chính, xã hội, văn hóa,... Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên doanh trong nước và quốc tế về đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời là Chủ tịch Trung ương hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam.

Khá nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh... đã được đặt tên những danh nhân văn hóa hiện đại. Đó là những người có công lớn trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Vũ Ngọc Phan là một danh nhân văn hóa hiện đại, ông cũng được đặt tên cho ba con đường ở ba thành phố lớn của Việt Nam. Đó là niềm tự hào không chỉ của gia đình ông, mà là niềm tự hào giới văn nghệ sỹ Việt Nam.

* Ảnh và tài liệu của bài viết được kiến trúc sư Vũ Ngọc Phương, con trai út của nhà văn Vũ Ngọc Phan cung cấp và qua lời kể của ông .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ