Vụ “Mở lon Việt Nam”: Tiếng Việt trong sáng, chỉ người dùng suy nghĩ tối tăm thôi!

GD&TĐ - Mấy ngày nay, dư luận được dịp xôn xao với cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Sẽ không có gì đáng bàn nếu câu chuyện không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý văn hóa.

Vụ “Mở lon Việt Nam”: Tiếng Việt trong sáng, chỉ người dùng suy nghĩ tối tăm thôi!

Ngay sau khi xuất hiện, nội dung quảng cáo của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam đã bị Cục Văn hoá cơ sở thuộc Bộ VH,TT & DL “tuýt còi” vì cho rằng “có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo.”

Khi văn bản chấn chỉnh nội dung quảng cáo sản phẩm Coca- Cola Việt Nam được ban hành, đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng bởi lỗi vi phạm được cho là rất chung chung, mơ hồ, suy diễn, thiếu cơ sở.

Theo ông Khuất Thế Khoa – Giảng viên bộ môn Tiếng Việt, Trường Hữu nghị 80 (Sơn Tây, Hà Nội), việc xác định lỗi sử dụng slogan “Mở lon Việt Nam” - “là hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam” hoàn toàn không có cơ sở xét cả về câu chữ và nghĩa của từ.

Trong tiếng Việt, từ “lon” (danh từ) mang những nét nghĩa như sau: 1. thú rừng cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn; 2. vật hình trụ đựng sữa hoặc nước giải khát, thường bằng kim loại; 3. Phương ngữ: bơ (bơ gạo/ lon gạo); 4. vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành; 5. phù hiệu quân hàm.

Như vậy, trong tất cả các nét nghĩa của từ “lon” thì không có bất kỳ nét nghĩa nào không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam khi từ “lon” được đặt trong slogan “Mở lon Việt Nam” hay đứng riêng lẻ một mình. Vậy căn cứ vào đâu để Cục Văn hóa cơ sở ra một văn bản với cái lỗi vi phạm “lạ đời” như vậy? Không lẽ, một Cục quản lý về văn hóa lại không hiểu được nghĩa của từ “lon” hay sao?

Giải thích lý do chấn chỉnh quảng cáo của Coca – Cola Việt Nam, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho rằng, giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ “lon” thì cụm từ “lon Việt Nam” sẽ có rất nhiều vấn đề.

“Tôi thật sự không hiểu và vô cùng thất vọng về cách giải thích của bà Hương bởi đó là sự suy diễn rất tùy tiện và ngô nghê. Bản thân từ “lon” đã mang nghĩa chứ không hề vô nghĩa, và từ xưa đến nay, từ người già đến đứa trẻ học lớp 1 đều hiểu “lon” trong slogan “Mở lon Việt Nam” là “lon” nước ngọt chứ không thể là cái gì khác.” – ông Khuất Thế Khoa nhấn mạnh.

Chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi của Coca - Cola Việt Nam
Chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi của Coca - Cola Việt Nam 

Sự suy diễn ngô nghê, vô căn cứ đã “bóp méo” câu chữ, làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Sự tưởng tượng một cách phản cảm của cá nhân đã biến “lon” thành một thứ dung tục không còn là chuyện nhỏ bởi nó ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và thể diện của một cơ quan quản lý văn hóa, hình ảnh của quốc gia.

Thông tin trên báo chí, đại diện Coca-Cola cho biết, việc thay đổi từ lon thành "chai" hay "hộp" là không thể và hãng này đã đổi slogan “Mở lon Việt Nam” thành “Mở lon trúng vàng”.

Vậy, nếu slogan “Mở lon trúng vàng” được chấp nhận thì tại sao “Mở lon Việt Nam” lại không được chấp nhận? Phải chăng từ “lon” trong 2 slogan là khác nhau? Vấn đề này, dư luận đang chờ câu trả lời thấu đáo từ Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

Ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết đã sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho các chương trình khuyến mãi sản phẩm của hãng trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.

Đại diện hãng cũng lý giải thông điệp ban đầu được thiết kế nhằm hướng dẫn cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp sản phẩm Coca-Cola và đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ.

Đại diện Coca-Cola Việt Nam chia sẻ thêm: “Ngôn ngữ Việt Nam rất đa dạng và nếu có sự nhạy cảm trong cách dùng từ, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi”. Hãng này thông tin, sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải thích rõ hơn về vụ trong vài ngày tới.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.