Vụ mất điện khiến 10% dân số thế giới sống trong bóng tối

Vụ mất điện khiến 10% dân số thế giới sống trong bóng tối

Sự cố mất điện trên diện rộng ở Ấn Độ mùa hè năm ngoái làm gần 10% dân số thế giới phải sống trong bóng tối, chưa kể đến vô số hậu quả như mất nước, tắc nghẽn giao thông, bệnh viện ngừng phẫu thuật, gây chú ý trên toàn cầu.

Một người đàn ông ngồi trong ánh nến tại cửa hàng ăn ở Siliguri hôm 31/7/2012. Ảnh: AFP
Một người đàn ông ngồi trong ánh nến tại cửa hàng ăn ở Siliguri hôm 31/7/2012. Ảnh: AFP

Trong các ngày 30 và 31/7/2012, có tới 22 trên tổng số 28 bang của Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New Delhi, bị mất điện. 3 trong số 5 đường dây lưới điện quốc gia bị sập, làm đảo lộn sinh hoạt của hơn 600 triệu người, tức một nửa dân số Ấn Độ và bằng 9% dân số thế giới.

Các công nhân điện phải làm việc hết sức để khắc phục sự cố, trong khi ít nhất 300 chuyến tàu bị hoãn, làm hàng nghìn hành khách mắc kẹt ở dọc các ga tàu suốt từ Kashmir ở phía bắc cho đến Nagaland ở phía tây, giáp biên giới với Myanmar.

Hệ thống đèn điều khiển giao thông không hoạt động khiến tình trạng ùn tắc xảy ra ở New Delhi, Kolkata và vô số thành phố khác. Các nhà máy xử lý nước cũng phải ngừng hoạt động khiến người dân không có nước để sinh hoạt.

Tại bệnh viện, tất cả các ca phẫu thuật phải tạm hoãn, nguồn điện dự phòng ít ỏi phải để dành cho những ca cấp cứu. Ở đài hóa thân, điện cũng bị cắt bất ngờ làm công việc bị dừng đột ngột và người chết cũng phải chờ có điện.

150 thợ mỏ bị kẹt dưới hầm khi đang làm việc ở công trường tại Burdwan (bang Tây Bengal) vì bị cắt thang do mất điện. Chính quyền đã huy động đội cứu hộ với nguồn điện dự phòng để chạy thang máy giải cứu các thợ mỏ.

Hệ thống điện được khôi phục trở lại từng phần từ đêm 31/7 đến ngày 1/8/2012.

Mạng điện chằng chịt ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Inhabitat
Mạng điện chằng chịt ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: Inhabitat

Cơ sở hạ tầng điện lực của Ấn Độ được cho là yếu kém và dễ hỏng hóc. Mạng lưới điện miền Bắc nước này từng bị sập năm 2001. Ước tính 27% điện năng bị thất thoát trong quá trình truyền tải hoặc bị câu trộm, trong khi nguồn cung vào giờ cao điểm thiếu khoảng 9%.

Ấn Độ cũng thường xuyên bị cắt điện kéo dài trên 10 giờ đồng hồ, nhất là những ngày nhiệt độ tăng cao. Vào đầu tháng 7 năm ngoái, Ấn Độ liên tục cắt điện khi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, khiến hàng nghìn người dân ở thành phố Gurgaon, gần Delhi, tức giận và đập phá các trạm điện. Đám người phẫn nộ cũng tấn công các quan chức của công ty năng lượng, bắt họ làm con tin và chặn đường giao thông ở một số nơi trong thành phố.

Sau đó, mhà chức trách phải ban hành quy định cấm dùng TV và máy tính trong một tuần, nhưng một phần ba các hộ gia đình ở Ấn Độ vẫn không đủ điện để thắp một bóng đèn. Một số khu vực, các hộ dân cũng không được nối với bất kỳ hệ thống điện lưới nào. Ví dụ như trong số 100 triệu dân sống tại bang miền trung Bihar, chỉ khoảng 16,4% dân số có điện, trong khi đó ở bang miền tây Punjab là 96,6% có điện, Guardian cho hay.

Khu vực mất điện (màu đỏ đậm và nhạt) trong sự cố lịch sử năm 2012 tại Ấn Độ. Đồ họa: wikipedia.
Khu vực mất điện (màu đỏ đậm và nhạt) trong sự cố lịch sử năm 2012 tại Ấn Độ. Đồ họa: wikipedia.

Với 1,2 tỷ dân, Ấn Độ là nước đông dân và sử dụng điện nhiều thứ hai trên thế giới. Người dân Ấn Độ thường xuyên phải chịu cảnh mất điện, đặc biệt là vào mùa hè. Nguyên nhân sự cố mất điện trên diện rộng thường được các công ty điện lực thông báo là do hệ thống bị quá tải.

Nguyên nhân quá tải được cho là do nhu cầu làm mát cũng như việc sử các máy móc trong nông nghiệp để tưới tiêu tăng cao trong mùa hè, vượt quá khả năng cung cấp của hệ thống. Các nhà phân tích cho hay cuộc khủng hoảng trầm trọng kể trên cho thấy rõ yêu cầu bức thiết đối với Ấn Độ là phải cải tạo cơ sở hạ tầng điện lực để đáp ứng nhu cầu điện năng của các doanh nghiệp và dân số ngày một tăng.

Theo VNE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ