Theo đó, 2 Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Riêng ông Nguyễn Hồng Trường nhận hình thức kỷ luật xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2017.
Vi phạm trong cổ phần hóa
Ngày 16/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT. Quyết định kỷ luật nêu rõ, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT.
Chịu trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá, cho cổ phần hoá… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hoá, quản lý vốn tại các doanh nghiệp; đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Hồng Trường là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Giao thông vận tải và cá nhân ông.
“Siêu” thương vụ ACV
Trong những thương vụ cổ phần hoá, việc ông Nguyễn Hồng Trường kiến nghị xin được cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong năm 2014 để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án là một ví dụ tiêu biểu. Theo dự kiến, sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của ACV. Với tổng tài sản của công ty mẹ tính đến cuối năm 2013 lên đến trên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ và doanh thu khoảng 8.400 tỷ đồng.
Sau đó, đến ngày 1/4/2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Bất chấp việc cổ phần hoá đã bị Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT phản biện những lo ngại về an ninh quốc phòng cũng như quản lý ngân sách Nhà nước khi cổ phần hóa.
Mặt khác, trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hoá. Đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/4/2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ) đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa ACV trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.
Ngày 22/1/2019, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra số 72/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV). Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV, kể cả những dấu hiệu ACV đã xóa nợ nhiều tỷ đồng khi chưa xác định được nguyên nhân…
Liên quan đến sai phạm của VEC
Ngoài những sai phạm về việc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại các Tổng Công ty trực thuộc Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường còn liên quan tới các sai phạm về việc chỉ định thầu các trạm dừng nghỉ trên cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và sai phạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Cụ thể, bà Vũ Thị Hoan (người đã bị khởi tố và bắt giam) với vai trò là Giám đốc Công ty Yên Khánh đã “thâu tóm” quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức chỉ định thầu. Qua đó, đã để xảy ra các sai phạm khi tổ chức thu phí đường bộ trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Công ty CP Yên Khánh đã có Văn bản 84/2012/CV-ĐB đề xuất Bộ GTVT cho thuê dịch vụ quản lý thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ông Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản số 5249/BGTVT-TC gửi tới VEC “giới thiệu” Công ty Yên Khánh thực hiện thu phí và đề nghị VEC đàm phán với nhà đầu tư.
Nhận được văn bản do ông Nguyễn Hồng Trường ký, VEC đã báo cáo Bộ GTVT xin chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và đề xuất của Công ty Yên Khánh, VEC đã làm việc và xem xét các nội dung cụ thể như: Phạm vi công việc gồm trạm Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ với nhân sự 231 người. Đề xuất chi phí trọn gói là 21,3 tỷ đồng/năm. Thời gian thực hiện chỉ 12 tháng.
Bộ GTVT đã “bật đèn xanh” gửi VEC về việc thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hội đồng thành viên VEC đã thống nhất giao Công ty Yên Khánh của cháu gái “Út trọc” Vũ Thị Hoan thực hiện thu phí Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong hợp đồng, Công ty Yên Khánh chỉ được thu phí 1 năm, thế nhưng công ty đã thực hiện thu phí trong suốt 5 năm. Đáng chú ý, đến tháng 1/2019 Bộ GTVT đã kết luận nội dung tố cáo đối với Hội đồng thành viên, tổ chức cá nhân VEC chỉ định thầu 8 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc. Trong đó có một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được chỉ định cho Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc).
Sau 6 tháng xác minh, đoàn xác minh của Bộ GTVT kết luận VEC chỉ định nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trái luật trên 3 tuyến cao tốc gồm: Tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đây là nội dung tố cáo có cơ sở. Theo Bộ GTVT, sai sót trên được xác định từ việc Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC ký hợp đồng với các nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc không thông qua đấu thầu.