"Vũ khí" chống lại biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Một nhóm các nhà khoa học do Ian Power thuộc Đại học Trent ở Canada dẫn đầu đã phát triển một hệ thống có thể bẫy CO2 trong một khoáng chất tự nhiên với tốc độ cực nhanh.

"Vũ khí" chống lại biến đổi khí hậu
Phương pháp này đã mở ra cánh cửa cho việc tìm kiếm những “vũ khí” chống lại sự biến đổi khí hậu.

Các quốc gia công nghiệp đang tiếp tục thải nhiều loại khí nhà kính khác nhau vào bầu khí quyển của hành tinh với tốc độ đáng báo động, làm tăng dần nhiệt độ của Trái đất trên quy mô toàn cầu do ngày càng có nhiều nhiệt từ mặt trời bị mắc kẹt bên trong bầu khí quyển. 
Carbon dioxide (CO2) là một trong những loại khí thải đó, do vậy tạo ra một hệ thống để loại bỏ những loại khí này ra khỏi khí quyển sẽ là một bước tiến lớn để giảm thiểu những thiệt hại mà con người gây ra cho hành tinh. 

Các nhà khoa học đã tiến hành các nghiên cứu một khoáng chất có công thức hóa học MgCO3 (magie cacbonat). Và họ phát hiện ra rằng khoáng chất này có thể bẫy CO2, lưu trữ nó trong một thời gian dài và loại bỏ nó ra khỏi khí quyển. Tuy nhiên, những hiểu biết về quá trình này còn tương đối sơ sài. 

Và các nhà khoa học quay trở lại với một nghiên cứu tỉ mỉ hơn về sự hình thành của khoáng chất magie cacbonat trước khi thử nghiệm những cách thức mới để tăng tốc khả năng hình thành đó.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã sử dụng những quả bóng nhỏ bằng nhựa PS để gia tăng tốc độ hình thành khoáng chất ở mức độ rất lớn. Quá trình này có thể tạo ra magie cacbonat chỉ trong 72 ngày, thay vì hàng trăm nghìn năm để tạo thành một cách tự nhiên.

Ian Power cho biết:”Bằng cách này, chúng tôi đã có thể tăng tốc độ hình thành magie cacbonat để có thể đáp ứng được yêu cầu. Quá trình này diễn ra ở nhiệt độ phòng, có nghĩa là sản xuất magie cacbonat sẽ không cần tới nhiều năng lượng."

Đó là một bước tiến tuyệt vời, nhưng khám phá của các nhà khoa học mới chỉ đang là nền tảng khoa học và vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn.
Bởi vì việc tiến hành quá trình sử dụng magie cacbonat để loại bỏ một lượng lớn CO2 trong khí quyển cần phải được thử nghiệm trên quy mô lớn. Và sẽ cần một thời gian nữa để chúng ta có thể khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu này.
Theo Tiền phong/BGR

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ