Vụ Hiệu trưởng dâm ô học sinh nam: Những bài học sâu sắc

Những bài học kinh nghiệm và giải pháp mà tỉnh Phú Thọ đã đang triển khai dù muộn nhưng vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Vụ Hiệu trưởng dâm ô học sinh nam: Những bài học sâu sắc

Sau nỗ lực của ngành giáo dục Phú Thọ, đến nay học sinh, phụ huynh và giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú- trung học cơ sở Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn đã ổn định tâm lý. Thầy trò nhà trường đang tập trung dạy học và ôn tập, chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ 1 năm học 2018-2019.

Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng từ vụ việc này, ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó có những biện pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh các trường nội trú, bán trú.

vu hieu truong dam o hoc sinh nam: nhung bai hoc sau sac hinh 1

Ông Phan Xuân Huy, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Sơn thừa nhận, dù là việc làm sai trái của một cá nhân, nhưng giống như “một con sâu làm rầu nồi canh”, vụ việc đã làm cho môi trường sư phạm bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, trường học vốn được coi là môi trường an toàn nhất với các học sinh và thầy cô giáo luôn được xã hội coi là sự chuẩn mực về đạo đức và nhân cách. Qua sự việc này cho thấy, việc chăm sóc, quản lý học sinh nội trú tại trường đang có những bất cập như: giáo viên chưa thực sự gần gũi học sinh, chưa dành nhiều thời gian để quan tâm, lắng nghe tâm tư, tình cảm của học sinh…

“Đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý, trong công tác giáo dục giới tính, trong công tác phòng chống xâm hại đối với học sinh và công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Trong công tác quản lý cũng cần phải nắm bắt thông tin một cách nhạy bén hơn, sâu sắc hơn, tốt hơn. Đối với các em học sinh thì trang bị cho các em những kiến thức có liên quan như là giáo dục giới tính, như là phòng chống xâm hại cũng như các kỹ năng sống khác, và đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ mình”- ông Huy nói.

Việc tổ chức chăm sóc, quản lý học sinh nội trú còn những bất cập. Chính các giáo viên cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề xâm hại đối với học sinh nên chưa phát hiện kịp thời hành vi bất thường của ông hiệu trưởng.

Thầy Trần Quốc Hội, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Ngày xưa cũng chỉ nghĩ là đa số các học sinh nữ bị xâm hại chứ ít khi nào là có học sinh nam. Qua sự việc vừa rồi không những cả nữ mà cả nam. Chúng tôi đã giáo dục cho các em biết để phòng tránh. Các em đừng có nghĩ là nam giới với nhau mà lại xuề xòa, chứ không phải là nam gần với nữ mới là xâm hại. Chúng tôi tuyên truyền với các em như thế, cố gắng hết sức để dạy bảo rồi lo cho các cháu cho tốt hơn và gần gũi với các cháu nhiều hơn”.

Vụ việc xảy ra cũng cho thấy một thực tế là giáo viên, Ban Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể khác trong nhà trường chưa thực sự làm cho học sinh tin tưởng để các em chia sẻ tâm tư, tình cảm. Vẫn còn thiếu những cơ chế để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ông Hà Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú- trung học cơ sở Thanh Sơn cho biết: “Sau vụ việc này chúng tôi cũng nhận thấy rằng khi cần phải trao đổi và làm việc với một cá nhân học sinh nào đó thì phải bố trí một phòng làm việc riêng; gặp phải có Ban Giám hiệu, liên Đội hoặc tổ tư vấn tâm lý học đường sẽ cùng tham gia để thăm nắm tìm hiểu sự việc, rồi giải quyết sự việc theo một quy trình, đảm bảo sẽ không để bất cứ một cá nhân thầy cô nào gọi một cá nhân học sinh nào đó làm việc một mình độc lập một nơi nào đó thiếu tính khách quan”.

Về phía Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, sau vụ việc tại trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Thanh Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo rà soát không chỉ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú mà cả các trường có học sinh bán trú trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện, tỉnh Phú Thọ có 14 trường nội trú, bán trú (gồm 5 trường nội trú và 8 trường có học sinh bán trú) với tổng số 1900 học sinh. Để không xảy ra các vụ việc tương tự, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục- đào tạo tăng cường vai trò quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường; thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo, đảm bảo các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh nội trú, bán trú.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tạo tỉnh Phú Thọ nhìn nhận: “Chúng tôi thấy đây là bài học xương máu. Qua sự việc của trường dân tộc nội trú Thanh Sơn, quan trọng nhất vẫn là tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện quy chế dân chủ trong các nhà trường và nhất là vai trò cấp ủy trong các nhà trường, không chỉ riêng với các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú mà các trường phổ thông, các trường mầm non. Nhà trường thực hiện không tốt trong việc nắm bắt thông tin và báo cáo các cơ quan quản lý giáo dục, chưa phát huy tốt vai trò của các tập thể trong nhà trường trong việc giám sát. Tôi cho đây là bài học để hướng đến trong thời gian tới phải làm tốt hơn”.

Những bài học kinh nghiệm và giải pháp mà tỉnh Phú Thọ đã đang triển khai dù muộn nhưng vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian tới. Những giáo viên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm để trả lại môi trường sư phạm an toàn cho học sinh, là nơi để phụ huynh tin tưởng đưa con đến học. Đây không chỉ là bài học của riêng tỉnh Phú Thọ mà cũng là bài học rút kinh nghiệm chung cho các địa phương trong việc quản lý, chăm sóc học sinh nội trú, bán trú.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ