Bắc Yên (Sơn La): "Đường cong lạ" quanh homestay của Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy

GD&TĐ - Gần đây, giá đất ở “Thiên đường mây Tà Xùa” lên nhanh như thổi. Dù mảnh đất của gia đình ông Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Bắc Yên cũng “lọt” vào bản đồ Quy hoạch Khu du lịch, song nó nằm ở một “đường cong” lạ...

Nhộm nhoạm?

Để làm rõ một số nội dung và trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó có “Thiên đường mây” Tà Xùa, Báo GD&TĐ đã gửi nội dung làm việc, đồng thời nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, ông Kỳ không có hồi âm. Có hay không việc Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên “ưu ái” cho “thuộc cấp”(?), rất cần được làm sáng tỏ!

Năm 2016, ông Nguyễn Đức Thịnh đang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Bắc Yên).

Đây cũng là thời điểm gia đình ông nhận chuyển nhượng thửa đất từ một người khác. Thửa đất được xác định có nguồn gốc: Trồng cây lâu năm. Cho đến bây giờ, ông Thịnh cũng không xác định được diện tích thực của nó là bao nhiêu(?).

Ngày 24/5/2017, UBND huyện Bắc Yên ban hành Quyết định 695/QĐ-UBND “về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc các bản, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên”.

Theo quyết định trên, đã có 553 hộ gia đình/828 GCNQSDĐ được cấp. Trong đó, 355 trường hợp diện đất ở nông thôn; 473 trường hợp còn lại là đất nông nghiệp. Quyết định này do ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện là người ký.

Theo danh sách đính kèm Quyết định 695/QĐ-UBND, ở ô thứ tự số 145, bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến (vợ ông Thịnh) là chủ sở hữu của thửa đất số 3, tờ bản đồ số 32, có diện tích 3.570,2 m2 (400m2 đất ở nông thôn; 3.170,2m2 đất trồng cây lâu năm) tại địa chỉ bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.

Cũng trong ngày 24/5/2017, ông Lê Văn Kỳ ký duyệt GCNQSDĐ cấp cho bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh tại thửa đất có cùng vị trí nêu trên. Song thửa đất này lại có tổng diện tích là 2.194,8m2 (thiếu 1.375,4m2 so với Quyết định 695). Trong đó, đất ở nông thôn lâu dài là 400m2, đất trồng cây lâu năm (50 năm) là 1.794,8m2.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao cùng một thửa đất, song giữa Quyết định cấp GCNQSDĐ lần đầu với GCNQSDĐ được cấp lại có sự “lệch pha” như vậy? Khi đã “lệch pha” thì ông Lê Văn Kỳ căn cứ vào đâu để cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thịnh?

Đem những thắc mắc trên đến gặp ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bắc Yên thì vị này đề nghị được “xem lại” và đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Quy hoạch uốn lượn, "ôm" homestay của Chủ nhiệm UBKT

Quy hoạch chỉ giới đỏ đang đi thẳng bỗng dưng lại uốn lượn qua khu đất của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh như một khúc ruột thừa. Ảnh: Chụp lại quy hoạch
Quy hoạch chỉ giới đỏ đang đi thẳng bỗng dưng lại uốn lượn qua khu đất của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh như một khúc ruột thừa. Ảnh: Chụp lại quy hoạch

Hơn 7 tháng sau ngày được cấp GCNQSDĐ, diện tích đất của gia đình ông Thịnh “lọt” vào bản đồ quy hoạch với một “đường cong” lạ.

Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 29/12/2017, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên ban hành Quyết định 2470 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Diện tích quy hoạch là 17,8 ha, quy mô dân số 800 người.

Bản quy hoạch này do ông Lê Văn Kỳ ký. Trên bản đồ Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Tà Xùa thể hiện rõ “đường cong” lạ. Chỉ giới đỏ đang đi thẳng thì uốn lượn qua khu đất của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh.

Liên quan tới “đường cong” lạ này, ông Nguyễn Văn Nam cho biết, việc quy hoạch cần hỏi Phòng Kinh tế hạ tầng (KTHT).

Ông Đoàn Văn Hùng – Trưởng phòng KTHT huyện Bắc Yên - trả lời rằng: Quy hoạch đã có từ trước khi ông về đảm nhiệm chức vụ hiện tại.

“Thiên đường mây” Tà Xùa, huyện Bắc Yên gần đây ngày càng được nhiều người biết đến với điểm du lịch “săn mây”, thu hút nhiều du khách khắp nơi đổ về. Cũng vì lẽ đó mà giá đất ở đây đã tăng lên chóng mặt. Thế nên, vùng đất vốn hoang sơ đang bị người ta “băm nát” quy hoạch với những homestay mọc lên như nấm.

Giá đất cách đây vài năm chỉ 200 – 500 triệu đồng/mảnh, nay đã được “thổi” lên vài tỷ, thậm chí có chỗ homestay lên tới hàng chục tỷ đồng. Quỹ đất được người ta “vắt kiệt”. Không ít trường hợp đã xâm lấn đất nông nghiệp, thậm chí vào cả đất quy hoạch rừng phòng hộ.

Ngay gần ngã ba trung tâm, sau tấm cổng chào, một lối rẽ phải mà người dân chỉ dẫn đưa chúng tôi theo con đường nhỏ uốn lượn để vào khu homestay mang tên “Tà Xùa Hills”. Homestay này của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh.

Homestay Tà Xùa Hills đang được sửa chữa. Nhiều công nhân đang bận bịu với việc khoan, đục, phá tường của công trình cũ để chỉnh trang, nâng cấp về quy mô. Nhiều hạng mục sẽ được xây dựng “đàng hoàng” hơn để đón khách. Vì thế, homestay này đang tạm thời đóng cửa.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện ở khu vực Tà Xùa từ trước đến nay chỉ có một quy hoạch với quy mô không lớn. Do đó, ở đây tồn tại 2 dạng vi phạm chính là: Xây dựng trên đất nông nghiệp và trật tự xây dựng.

“Gia đình bà Xuyến được cấp giấy phép xây dựng trên diện tích 400m thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng khẳng định, phần xây dựng còn lại của gia đình bà Xuyến – ông Thịnh ngoài diện tích được cấp phép xây dựng 400m2 thổ cư là vi phạm trật tự xây dựng. Song thẩm quyền xử lý thuộc Phòng TN&MT chứ không phải của Phòng KTHT.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Văn Nam để xác định xem đã bao nhiêu lần kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với trường hợp vi phạm, trong đó có gia đình ông Thịnh.

Đồng thời yêu cầu cung cấp biên bản các lần kiểm tra, xử lý. Song, ông này lại tiếp tục “đá trái bóng” trách nhiệm sang cho xã. Ông Nam ấp úng: “Cái này để em “rà” lại đã... Em trao đổi với xã luôn để xem xã nó làm như thế nào”.

Sau 1 ngày “rà lại”, ông Nam cho biết, hồ sơ xử phạt vi phạm đối với nhà ông Thịnh chưa có. Từ trước đến nay cơ quan chuyên môn chỉ có tuyên truyền chứ chưa có đợt kiểm tra cụ thể nào ngoài cuộc gần đây theo Quyết định của UBND huyện.

Trước đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Sơn La đã ra Quyết định 38/2021/QĐ-UBND ngày 29/10/2021. Quyết định nêu rõ: UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định pháp luật và theo phân cấp.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ