Phụ huynh không thỏa mãn với kết luận của cơ quan chức năng
Liên quan đến sự việc học sinh lớp 1 (Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), phụ huynh của học sinh đánh bạn và bị bạn đánh cho biết đều không thuyết phục với kết luận của cơ quan chức năng.
Trước đó, chiều ngày 6/10, UBND phường Thọ Quang cùng với Công an Phường đã có buổi làm việc, tiếp xúc với các bên liên quan đến vụ việc gia đình em N.H.T.H. phát hiện con mình có nhiều vết bầm tím trên cơ thể, đặc biệt là bắp chân sau khi đi học về.
Ông Lê Từ Hòa - Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang thông tin với báo chí, kết quả xác minh cho thấy vết bầm tím trên chân em học sinh N.H.T.H. là do bạn đánh bằng thước kẻ. |
Thông tin với báo chí sau buổi làm việc, ông Lê Từ Hòa - Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: “Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, vết bầm tím trên chân của em N.H.T.H. là do bạn học cùng lớp đánh bằng thước kẻ. Trưa ngày 5/10, khi cô giáo chủ nhiệm lớp 1/2 cho học sinh về khu vực ngủ trưa thì giao cho một em học sinh giỏi trong lớp kèm em N.H.T.H. học. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, cô không có mặt ở lớp học. Chỉ có hai học sinh tự quản, tự kèm nhau học. Em học sinh được giao kèm H. học có kèm theo cây thước chỉ bài, nếu H. đọc sai thì gõ nhẹ. Sự việc phát sinh trong khoảng thời gian này.
Sáng 7/10, đại diện Sở GD&ĐT, công an phường vẫn tiếp tục làm việc với đại diện Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh để xác minh, xử lý vụ việc.
Chị H.T.A., mẹ của em P.H.P. (học sinh được cho là cầm thước kẻ đánh bạn) cho biết: “Sau buổi làm việc tại UBND phường chiều 6/10, tối về em có hỏi lại con thì con kể có đánh bạn nhưng là dùng thước đánh vào tay. Vì bạn đọc sai chữ nên con đánh phạt. Con cũng khẳng định là con không đánh vào chân của bạn H.”.
Chị A. cho biết, nhìn vết bầm tím ở chân của cháu H., chị cũng không tin là con mình có thể đánh bạn đến mức để lại dấu vết như thế. Nhưng cơ quan chức năng lại khẳng định là con chị có đánh bạn sau khi đã hỏi chuyện cháu, có sự chứng kiến của phụ huynh, nên chị ký vào biên bản vì không muốn sự việc thêm nặng nề.
Chị A. cũng kể rằng, tối 5/10, khi cô giáo gọi điện báo tin con của chị có đánh bạn cùng lớp trong khi kèm bạn học bài. Cô giáo có dặn dò chị là khi gặp phụ huynh có con bị đánh thì nên có lời xin lỗi, dù họ có nói nặng nhẹ gì thì con mình có đánh nên cũng xin lỗi cho êm chuyện. Chị A. đồng ý vì cũng chỉ nghĩ là trầy xước nhẹ.
Trong khi đó, chị H.N.T.H., có con bị đánh bầm tím ở chân thì cho rằng, trong buổi làm việc giữa các bên liên quan, gia đình chị dù có ý kiến thắc mắc nhưng không hề được trả lời. “Cháu P. được cho là đánh con tôi chỉ 18kg, trong khi con tôi có cân nặng gấp đôi bạn. Trẻ con đánh nhau thì cũng chỉ vài thước là cùng, không thể đánh đến mức bầm tím như vậy” – chị H. nhận xét.
Chị H. cũng thắc mắc: “Nếu vết thương của con tôi do bạn gây ra thì khi con tôi khóc, la, chẳng lẽ cô hoặc không ai ở gần lớp học nghe thấy sao? Nếu lỡ bạn đánh vào đầu, vào chỗ hiểm của con tôi thì sao?”.
Hôm nay, cả em P.H.P. và em N.H.T.H. đều không đến trường.
Giáo viên quá nóng vội
Thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh cho biết: “Ưu tiên trước mắt của nhà trường là phải ổn định được tâm lý cho học sinh, phụ huynh và giáo viên có liên quan đến sự việc. Nhà trường tôn trọng kết luận của cơ quan chức năng. Nếu phụ huynh không thỏa mãn thì các bên sẽ tiếp tục làm việc”.
Nhà trường đã liên hệ để mời tiến sĩ tâm lý đang là giảng viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng gặp gỡ phụ huynh, học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp để có những hỗ trợ phù hợp. Việc đồng hành này sẽ kéo dài cho đến khi học sinh hòa nhập tốt với môi trường lớp học.
Thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh cho biết, ưu tiên trước mắt là ổn định tâm lý của học sinh, phụ huynh và giáo viên. |
Trên cương vị quản lý, thầy Cương nhận xét, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là đã giao cho một học sinh lớp 1 kèm cho bạn học bài trong khi cô không có mặt ở lớp. “Học sinh lớp 1 vào chương trình học chưa được bao lâu. Dù em có chậm trong đọc, tiếp thu bài thì còn một khoảng thời gian dài để kèm cặp. Việc giáo viên quá sốt sắng, nóng vội sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Để cho học sinh kèm nhau học vào giờ nghỉ trưa, khi không có sự theo dõi của cô giáo là không phù hợp” – thầy Cương khẳng định.
Thầy Hiệu trưởng cũng thừa nhận rằng, khi nhìn vết bầm trên chân của em N.H.T.H. thì thầy không tin một học sinh lớp 1 có thể đánh bạn đến mức như thế. “Nhưng khi công an làm việc, tiếp xúc, hỏi chuyện hai bên học sinh với sự chứng kiến của phụ huynh thì chúng tôi tin vào kết luận của công an”, – thầy Cương chia sẻ.
Sau sự việc này, nhà trường sẽ tiến hành lắp đặt camera tại các phòng học. “Tuy nhiên, chúng tôi rất mong phụ huynh của hai em học sinh bình tĩnh. Nếu người lớn chúng ta, trong đó có cả giáo viên, nhà trường nếu không nghĩ đến tâm lý của trẻ thì sẽ để lại cho các em ấn tượng không tốt về những việc không may đã xảy ra” – thầy Cương tâm tư.