Vụ Công ty Quốc Bảo sản xuất khẩu trang: Xử phạt hành chính đã đúng?

Vụ Công ty Quốc Bảo sản xuất khẩu trang: Xử phạt hành chính đã đúng?

Quyết định xử phạt đã rõ ràng?

Liên quan đến sự việc, ngày 4/3/2020, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị Quốc Bảo (gọi tắt là Cty Quốc Bảo) có địa chỉ tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chỉ có chức năng sản xuất khẩu trang bảo hộ, nhưng bị đoàn công tác theo quyết định 416/QĐ-TCQLTT (gọi tắt là đoàn công tác 416) của Tổng cục QLTT phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, phát hiện 5 thùng chứa vỏ hộp khẩu trang ghi là “Khẩu trang kháng khuẩn” tại gầm cầu thang trong xưởng sản xuất.

Vụ Công ty Quốc Bảo sản xuất khẩu trang: Xử phạt hành chính đã đúng? ảnh 1
Khẩu trang được đóng vào hộp có ghi rõ "Kháng khuẩn; tiệt trùng"

Trả lời báo chí, ông Vũ Mạnh Hải - quyền Cục trưởng Cục QLTT Bắc Ninh khẳng định: “Đúng là có vỏ hộp ghi các thông tin trên, nhưng chỉ để ở gầm cầu thang, không có khẩu trang bên trong hộp, nên không thể kết luận Cty Quốc Bảo làm giả khẩu trang Y tế”.

Nhưng ngày 6/3/2020, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh) lại ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Cty Quốc Bảo với số tiền 17,5 triệu đồng, do đã có hành vi vi phạm hành chính “Kinh doanh hàng hóa (khẩu trang) trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó”.

Phải chăng, Đội QLTT số 4 và ông Quyền Cục trưởng Cục QLTT Bắc Ninh trong xác định hành vi vi phạm của Cty Quốc Bảo có đang mâu thuẫn?.

Trong khi, Quyết định xử phạt hành chính của Đội QLTT số 4 cũng rất mập mờ, khi không nêu rõ hàng hóa (khẩu trang) của Cty Quốc Bảo trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó. Vậy chữ viết trên nhãn là chữ viết gì, bản chất và sự thật về hàng hóa đó như thế nào. Tại sao, lại không được nêu rõ? Căn cứ vào đâu mà Đội QLTT số 4, lại chỉ xử phạt Cty Quốc Bảo số tiền 17,5 triệu đồng rồi để doanh nghiệp tự tiêu hủy 5 thùng vỏ hộp khẩu trang như vậy?

Được biết, Cty Quốc Bảo đăng ký sản xuất khẩu trang bảo hộ, thế nhưng trên thực tế loại khẩu trang bảo hộ của Cty Quốc Bảo lại có hình dáng giống với khẩu trang y tế. Điều này khiến người dân rất dễ nhầm lẫn, đặc biệt người dân càng không thể phân biệt được nếu những khẩu trang bảo hộ của Cty Quốc Bảo được đóng trong hộp có ghi chữ “khẩu trang kháng khuẩn”.

Được biết, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản số 45/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. 

Trong phần hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Hội đồng thẩm phán TANDTC nêu rõ: “Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174”.

Như vậy, việc Đội QLTT số 4 xác định hành vi vi phạm của Cty Quốc Bảo như đã nêu ở trên, thì căn cứ vào hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC cần phải làm rõ về việc có hay không doanh nghiệp đang lừa dối người dân để trục lợi. Và có hay không việc bao che của QLTT Bắc Ninh cho hành vi lừa dối người tiêu dùng của công ty Quốc Bảo 

Cách nhận biết khẩu trang y tế

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đoàn Quang Minh – chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế của Bộ Y tế, người tham gia cùng đoàn công tác 416 khi đến Cty Quốc Bảo ngày 4/3/2020, cho biết: “Khi ông cùng đoàn 416 đến cở sở sản xuất của Cty Quốc Bảo, doanh nghiệp bảo hết nguyên liệu của màng kháng khuẩn, màng lọc, nên chỉ sản xuất khẩu trang phòng chống bụi

“Tuy nhiên, trên các bao bì vẫn ghi là dùng trong các cơ sở y tế, ngăn các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, có cả tiệt trùng. Quan điểm của tôi, nếu ông chỉ sản xuất sản phẩm với tính chất hàng hóa như thế nào thì trên nhãn mác, trên bao bì khi đưa đến người tiêu dùng phải thể hiện đúng và trung thực với bản chất của sản phẩm” – ông Minh nói.

Trả lời câu hỏi của Báo GD&TĐ, về việc làm thế nào để người dân có thể phân biệt được giữa khẩu trang y tế và khẩu trang bảo hộ, ông Minh cho hay: “Nếu là khẩu trang y tế, thì trên nhãn mác bao bì bên ngoài, nhà sản xuất phải ghi là khẩu trang y tế, trong các mục đích sử dụng phải ghi rõ là dùng trong cái gì, ví dụ như: có khả năng phòng ngừa các bệnh qua đường hô hấp.

Ngoài ra, về mặt cảm quan người tiêu dùng có thể phân biệt, nếu là khẩu trang không có nhãn mác bên ngoài thì người tiêu dùng có thể xé khẩu trang ra xem có lớp màng lọc ở giữa không. Nếu có màng lọc, thì kiểm tra các đặc tính của màng lọc xem có phải là vải không dệt, không thấm nước hay không. Nếu có, thì người tiêu dùng nên có thể dội nước lên nếu nước trôi đi là được. Còn nếu họ nghi ngờ về chất lượng hàng hóa thì nên gửi kiểm tra, kiểm nghiệm mới biết chính xác được”.

Vụ Công ty Quốc Bảo sản xuất khẩu trang: Xử phạt hành chính đã đúng? ảnh 2
Một góc trong cơ sở sản xuất, đóng gói khẩu trang của Công ty Quốc Bảo.

Như Báo GD&T, đã thông tin trong bài viết: “Vụ Công ty Quốc Bảo sản xuất khẩu trang: Nhiều điểm lạ cần được làm rõ?” về việc, sau khi ông Vũ Mạnh Hải - quyền Cục trưởng Cục QLTT Bắc Ninh thông tin với cơ quan báo chí rằng: Cty Quốc Bảo tự tiêu hủy số vỏ hộp khẩu trang trong 5 thùng nêu trên. Điều này khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi, như: Cục QLTT Bắc Ninh có quá vội vàng khi để doanh nghiệp “tự xử” như vậy ?. Phải chăng doanh nghiệp làm như vậy nhằm xóa dấu vết về hành vi sản xuất khẩu trang y tế giả nhằm trục lợi trong mùa dịch VOVID-19…

Cơ quan chức năng đã làm rõ số lượng vỏ hộp khẩu trang trong 5 thùng là bao nhiêu? Tại sao con số này không được công bố, nếu số lượng lên đến hàng nghìn chiếc hộp, thậm chí là nhiều hơn thế thì mức độ vi phạm của doanh nghiệp đã đến mức phải xử lý hình sự?

Bên cạnh đó, dư luận cũng cho rằng, tại sao đoàn công tác 416 là đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng của Bắc Ninh khi kiểm tra và phát hiện số vỏ hộp khẩu trang trong xưởng sản xuất của Cty Quốc Bảo, khi doanh nghiệp này tự tiêu hủy, đoàn 416 có được chứng kiến hay không, hay chỉ có Cục QLTT Bắc Ninh. Như thế có phải Cục QLTT Bắc Ninh đang vượt thẩm quyền?

Một điều nữa cần làm rõ, tại sao Cục QLTT không thực hiện việc thu giữ và tiêu hủy theo đề nghị của đoàn công tác 416 ngay từ khi phát hiện, mà lại để doanh nghiệp “tự xử” sau đó, việc doanh nghiệp tự tiêu hủy như thế có đúng và đảm bảo với các quy định của pháp luật hay không?.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ