Vụ bé gái 7 tháng tử vong tại Hải Phòng: Bác sĩ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc?

GD&TĐ - Sở Y tế Hải Phòng đã lên tiếng trước thông tin bé gái 7 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc điều trị viêm phổi tại Phòng khám nhi của bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo.

Phòng khám chuyên khoa Nhi tại nhà bác sĩ Tuấn
Phòng khám chuyên khoa Nhi tại nhà bác sĩ Tuấn

Bà Phạm Thị Trà -  Chánh Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Sau khi sự việc xảy ra Giám đốc Sở Y tế có chỉ đạo Thanh tra Sở chủ trì phối kết hợp với phòng Nghiệp vụ y, phòng Quản lý hành nghề kiểm tra đột xuất phòng khám tư nhân của bác sĩ Tuấn.

Đây là phòng khám đủ thủ tục pháp lý, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện Vĩnh Bảo cấp, có Giấy phép khám chữa bệnh do Sở Y tế cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mang tên bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn. Phòng khám có một người phụ việc có chứng chỉ hành nghề là điều dưỡng Phạm Thị Hương.

“Chúng tôi thực hiện kiểm tra quy chế chuyên môn của phòng khám. Tại đây có biển hiệu, dụng cụ phương tiện và sổ sách phù hợp với hoạt động của phòng khám chuyên khoa nhi theo quy định”, bà Trà trả lời.

Về trường hợp cháu bé tử vong, Sở Y tế có kiểm tra tại sở khám bệnh có ghi, ngày 16/12, bệnh nhi V.N.Q - 7 tháng tuổi, An Hòa (Vĩnh Bảo) được chẩn đoán viêm phổi khò khè.

Bệnh nhi được bác sĩ kê đơn thuốc gồm các thuốc điều trị viêm phổi khò khè có đơn thuốc lưu lại phòng khám.

Ngày 17/12, bệnh nhân đến khám lại được bác sĩ Tuấn chỉ định tiêm 1/3 lọ Solumedrol 40mg. Đến ngày 18/12, bệnh nhân lại đến phòng khám và được bác sĩ Tuấn chỉ định tiêm tiếp 1/3 lọ Solumedrol 40mg.

Khoảng 17h30 ngày 18/12, sau khi y tá Hương tiêm 1/3 lọ Solumedrol 40mg cho bệnh nhi thì được gia đình đưa cháu về nhà. 2 tiếng sau tiêm, cháu bé có biểu hiện xấu, người nhà đưa cháu đến Trạm Y tế xã An Hòa để cấp cứu. Do không có tiến triển nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện ĐK Quốc tế Hải Phòng- Vĩnh Bảo. Đến 21 giờ cùng ngày gia đình có đến nhà bác sĩ Tuấn xin vỏ thuốc tiêm và báo cháu Q. đã tử vong.

Nói về nguyên nhân dẫn đến trường hợp bé tử vong, bà Trà cho hay, nếu để xác định nguyên nhân phải mổ tử thi, giám định pháp y. Nhưng gia đình cháu Q. không cho mổ tử thi và không truy cứu trách nhiệm của bác sĩ Tuấn.

Loại thuốc bác sĩ Tuấn chỉ định tiêm cho bệnh nhi Q. là loại thuốc nằm trong cơ số thuốc cấp cứu. Thuốc Solumedrol 40mg không có chống chỉ định cho bất cứ trẻ nào, bà Trà khẳng định.

Tuy nhiên khi được hỏi, có thông tin cho rằng bác sĩ Tuấn vừa khám bệnh, kê đơn, bán thuốc và tiêm cho bệnh nhân có đúng quy định? Về việc này, bà Trà cho hay, Sở Y tế chỉ kết thúc ở việc bác sĩ kê đơn và được tiêm thuốc trong danh mục thuốc cấp cứu là đúng.

Trong mô hình nhà bác sĩ Tuấn có cả quầy thuốc. Nhưng việc ai đứng ra bán và cấp thuốc cho bệnh nhân thì Chánh Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho rằng, phía cơ quan chuyên môn của Sở không kiểm tra vì không liên quan đến sự việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.