Vụ bê bối Tháp Nesle

GD&TĐ - Năm 1337, Anh và Pháp nổ ra cuộc chiến sẽ kéo dài hơn 100 năm là Chiến tranh Trăm năm nhằm giành giật lãnh thổ và ngôi vua Pháp.

Bản in thạch minh họa 3 hoàng tử phi của Pháp đang hưởng lạc tại Tháp Nesle. Ảnh: Nationalgeographic.com
Bản in thạch minh họa 3 hoàng tử phi của Pháp đang hưởng lạc tại Tháp Nesle. Ảnh: Nationalgeographic.com

Người Pháp vẫn nhớ, sự việc châm ngòi nó đã xảy ra từ năm 1314 và đó là vụ bê bối tình ái hoàng gia chấn động nhất lịch sử: Bê bối Tháp Nesle. Cả 3 hoàng tử phi của Pháp đều vướng vào và một người có khả năng đã bị tra tấn, sát hại chết.

Bê bối hoàng cung

Đầu thế kỷ XIV, Pháp dưới sự cai trị của Hoàng đế Philip IV (1268 - 1314) khét tiếng “vị vua thép” vì tính tình độc đoán. Trong mắt “vị vua thép”, con cái chỉ là công cụ liên hôn để đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước, vừa đến tuổi trưởng thành là phải kết hôn theo chỉ định của hoàng gia.

Philip IV có 4 con trai nhưng 1 người mất sớm và 1 con gái. Người con trai bị mất sớm của ông là Robert, được hứa hôn với Costanza của Sicilia từ năm 10 tuổi nhưng không kịp làm hôn lễ vì đã qua đời vào năm 12 tuổi.

Cả 3 con trai còn lại của Philip IV đều kết hôn với phụ nữ quý tộc Pháp xuất thân vùng Burgundy. Trong đó, Louis (1289 - 1316) kết hôn với Margaret, con gái của Công tước xứ Burgundy; Philip (1293 - 1322) kết hôn với Joan, con gái của Bá tước xứ Burgundy và Charles (1294 - 1328) kết hôn với em gái của Joan là Blanche.

Vì là hôn nhân sắp đặt nên mối quan hệ giữa các hoàng tử và hoàng tử phi không mấy mặn nồng. Louis tỏ ra lạnh nhạt với Margaret, Charles thì áp đặt Blanche, chỉ có Philip và Joan là có vẻ yêu thương nhau.

Con gái của Philip IV, Công chúa Isabella (1295 - 1358) thì được gả cho Hoàng đế Edward II của Anh và trở thành hoàng hậu. Năm 1313, Isabella bế con trai mới chào đời về thăm quê và tặng cho mỗi chị dâu một chiếc ví lụa làm quà.

Những lần về thăm nhà kế tiếp vào năm 1314, bà để ý thấy 2 chị dâu là Margaret và Blanche không chỉ không đeo chiếc ví mình tặng mà 2 chiếc ví này còn đã chuyển sang bên hông của 2 hiệp sĩ hoàng gia là cặp anh em Philippe và Gautier d’Aunay.

Ở thời đại này, phụ nữ tặng quà cho hiệp sĩ là hành động bộc lộ tình yêu nên lập tức, Isabella thông báo với cha rằng phát hiện các chị dâu ngoại tình. Philip IV nổi giận lôi đình, rắp tâm bắt quả tang tại trận nên cho người theo dõi cả 2 hoàng tử phi và 2 hiệp sĩ nọ. Chưa hạ lệnh được bao lâu, ông đã được báo không chỉ 2 mà cả 3 hoàng tử phi đang ở cùng nơi với Philippe và Gautier d’Aunay là Tháp Nesle.

Anh em nhà d’Aunay bị bắt, giam giữ và tra tấn lấy khẩu cung ngay tức thì. Họ khai nhận có quan hệ bất chính với Margaret và Blanche nên 2 hoàng tử phi này cũng bị bắt giam ngay. Hoàng tử phi Joan tuy không yêu đương vụng trộm với các hiệp sĩ nhưng vẫn bị bắt giam vì tội thông đồng, che giấu hộ.

vu-be-boi-thap-nesle-4103-8299.png
Hoàng đế Philip IV sắp đặt sẵn hôn nhân cho các con. Ảnh: Nationalgeographic.com

Hậu quả khôn lường

Vì quá mất mặt nên Hoàng đế Philip IV chỉ mở phiên tòa bí mật để kết án các con dâu và 2 anh em nhà d’Aunay. Có rất nhiều đồn đãi về kết cục của anh em nhà d’Aunay nhưng tựu trung đều rất khủng khiếp. Trong đó, nổi bật nhất là tin đồn họ bị cắt đứt bộ phận sinh dục, lột da sống rồi mới chặt đầu.

Các hoàng tử phi thì không bị trừng phạt nặng như 2 hiệp sĩ này, nhưng số phận cũng bị thảm không kém. Hai người bị kết tội ngoại tình là Margaret và Blanche đều bị cạo trọc đầu, kết án giam giữ chung thân. Joan thì bị quản thúc tại gia ở Château de Dourdan.

Sau khi hạ lệnh lột da sống 2 hiệp sĩ quan hệ vụng trộm với 2 con dâu không lâu, Philip IV cũng băng hà. Tháng 11 cùng năm, Louis X lên ngôi. Vợ ông, Margaret vẫn bị nhốt trong ngục. Tháng 4/1315, Louis X tái hôn. Chỉ vài ngày trước khi ông lấy vợ mới, Margaret được phát hiện chết không rõ nguyên nhân. Nhiều người nghi ngờ, cựu hoàng tử phi này đã bị sát hại bằng cách siết cổ để Louis X danh chính ngôn thuận bước vào lễ đường.

Blanche được thả tự do sau 8 năm bị giam giữ nhưng cũng bị hủy hôn. Không ai biết kết thúc của bà ra sao, chỉ có một tin đồn là bà vào tu viện sống và qua đời trong thầm lặng.

Riêng Joan thì nhờ Philip đứng ra bảo lãnh nên thoát khỏi án bị quản thúc. Năm 1317, khi Philip lên ngôi, lấy vương hiệu Philip V, bà cũng trở thành hoàng hậu. Hai người sống với nhau hạnh phúc đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng bê bối Tháp Nesle đã không dừng tác động lại ở đây mà tiếp tục phủ bóng lên hoàng cung Pháp, đưa dòng dõi Capet đến bờ vực tuyệt hậu.

Nếu Louis X danh chính ngôn thuận kế thừa ngai vị thì Philip V lại là kẻ cướp ngôi cháu gái, con gái của Louis X. Tuy Louis X có người kế vị là John nhưng chỉ 5 ngày sau khi lên ngôi, vị vua trẻ này đã qua đời.

Theo thứ tự thì con gái của Louis X sẽ lên ngôi nhưng Philip V đã viện dẫn Luật Salic cổ xưa cấm phụ nữ làm vua mà cướp ngai vàng. Ông không ngờ được, giữa ông và Joan sẽ không có con trai nào. Vì là người tái khởi xướng Luật Salic nên Philip V buộc phải tuân thủ, trao ngai vàng cho Charles.

Năm 1322, Charles lên ngôi, lấy vương hiệu Charles IV. Nhờ được giáo hoàng hủy hôn nên ông không còn liên quan gì đến Blanche và danh chính ngôn thuận tái hôn, nhưng lại cũng không sinh được con trai. Năm 1328, Charles IV băng hà. Dòng dõi nam trực hệ của Triều đại Capet kết thúc cùng với ông.

Chiếu theo Luật Salic thì người tiếp theo lên ngôi vua Pháp là anh họ của Charles IV song, chính vào lúc này, Isabella, người lật tẩy 3 vị hoàng tử phi ngoại tình nhảy vào, đòi ngai vàng cho con trai của bà là Edward III và anh họ của bà là Philip xứ Valois.

Cuộc giành giật hoàng vị này đã dẫn đến Chiến tranh Trăm năm tàn phá toàn nước Pháp. Khi Chiến tranh Trăm năm còn chưa chấm dứt, đại dịch “cái chết đen” đã nổ ra. Pháp phải trải qua thời kỳ đen tối nhất mà hậu thế mệnh danh “thế kỷ thảm khốc”.

Theo nationalgeographic.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ