Vụ bán đấu giá tài sản hơn 10 tỉ đồng tại Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm vụ cho vay “khủng”?

GD&TĐ - Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là ngân hàng chính sách, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vậy, ai tại Ngân hàng VDB phải chịu trách nhiệm khi ký cho vay hàng trăm tỉ đồng, khi doanh nghiệp bê bết có nguy cơ chỉ thu hồi được… tiền lẻ?

Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Thanh niên
Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Thanh niên

Từ hợp đồng cho vay khủng, thiết bị thế chấp xuất xứ Trung Quốc

Tài liệu điều tra của Báo Giáo dục & Thời đại thể hiện: Chi nhánh Ngân hàng phát triển Hải Phòng (từ tháng 11/2018 đổi tên thành Chi nhánh Ngân hàng phát triển khu vực Đông Bắc, sau đây gọi tắt là VDB Đông Bắc) và Công ty TNHH Nhật Phát (trụ sở tại TP. Hải Phòng) từ tháng 5/2009 đã ký kết hợp đồng tín dụng đầu tư số 02/2009/HĐTDĐT-NHPT và các hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung khác.

Công ty TNHH Nhật Phát đã được Ngân hàng VDB Đông Bắc giải ngân 100 tỉ đồng để thực hiện dự án Đầu tư nhà máy sản xuất sắt xốp, luyện kim Fero hợp kim sắt công suất 28.000 tấn/năm theo công nghệ luyện kim không dùng KOKC. Thời gian vay vốn là 180 tháng (từ năm 2010 đến năm 2024). Lãi suất nợ trong hạn là 6,9%/năm, lãi nợ quá hạn (tính trên nợ gốc và lãi chậm trả) là 10,35%.

Để đảm bảo khoản vay trên, Công ty TNHH Nhật Phát dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại VDB. Trong đó gồm tài sản hình thành trong tương lai của dự án như đã nêu ở trên.

Tại hợp đồng thế chấp số 02A/2010… ngày 12/3/2010 (về việc xác định tài sản thế chấp là tài sản gắn liền với đất)  ký giữa Ngân hàng VDB Hải Phòng với ông Phạm Quang Sáng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Phát thể hiện rõ các tài sản thế chấp gồm: Nhà kho, nhà văn phòng, nhà ăn ca, móng lò quay, tháp lọc bụi, xưởng luyện kim Fero hợp kim sắt…. nằm trên diện tích đất là 31.087,9 m2 (thị trấn An Lão, huyện An Lão, Hải Phòng). Tổng giá trị tài sản thế chấp tại thời điểm thế chấp là hơn 49,890 tỉ đồng.

Đến tháng 6/2011 giữa ngân hàng và chủ đầu tư dự án ký tiếp phụ lục hợp đồng xác định chi tiết tài sản thế chấp đối với thiết bị, dây chuyền sản xuất có trị giá được xác định trên 200,344 tỉ đồng!

Tại bản chi tiết phụ lục hợp đồng thiết bị thế chấp cho thấy, các thiết bị có giá trị lớn nhất của dây truyền dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng đều xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ có xe nâng (2 chiếc, 3,5 tấn), xe xúc (4 chiếc, công suất 1,5 m3 và công suất 0,6 m3), xe cuốc (1 chiếc, công suất 0,7 m3) là có xuất xứ từ Nhật Bản. Tổng giá các loại xe này có giá khoảng hơn 4 tỉ đồng/200,344 tỉ đồng tài sản được VDB Hải Phòng nhận thế chấp.

Doanh nghiệp không trả được nợ, VDB phải chịu trách nhiệm?

Từ tài sản thế chấp nêu trên, Ngân hàng VDB Đông Bắc đã giải ngân cho Công ty TNHH Nhật Phát vay 100 tỉ đồng. Việc giải ngân được thực hiện làm 02 lần.

Dự án trên của Công ty TNHH Nhật Phát đến thời điểm hiện tại là bê bết, nhà xưởng, thiết bị nằm hoang hóa. Ghi nhận của phóng viên Báo GD&TĐ, tại thời điểm những ngày đầu tháng 9/2020 cho thấy, nhà xưởng của dự án bị bỏ hoang không có công nhân làm việc. Tại cổng dự án nhà máy chỉ có một người bảo vệ cao tuổi làm công tác bảo vệ, trông coi. Toàn bộ khu vực này đã được kê biên để thi hành án.

Dự án của Công ty TNHH Nhật Phát giờ chỉ còn là các nhà xưởng cũ nát, thết bị nằm hoang hóa.
Dự án của Công ty TNHH Nhật Phát giờ chỉ còn là các nhà xưởng cũ nát, thết bị nằm hoang hóa.

Tài liệu thể hiện Công ty TNHH Nhật Phát đang còn nợ Ngân hàng VDB Đông Bắc 74,891 tỉ đồng nợ gốc; Nợ lãi trong hạn là hơn 41,240 tỉ đồng; Nợ lãi quá hạn là hơn 10,823 tỉ đồng. Tổng số tiền nợ gốc và lãi là hơn 126,954 tỉ đồng.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Ngô Quyền đã tuyên phát mãi tài sản mà Công ty TNHH Nhật Phát thế chấp tại Ngân hàng VDB Đông Bắc để ngân hàng thu hồi vốn.

Sau 10 năm thế chấp, tài sản của dự án mà giá trị ban đầu Ngân hàng VDB Đông Bắc nhận thế chấp được định giá hơn 200 tỉ đồng, hiện tại (theo thẩm định giá như trước đó Báo GD&TĐ đã phản ánh) chỉ còn lại giá trị hơn 10 tỉ đồng.

Vốn cho vay của Nhà nước cần phải thu hồi sau “thương vụ cho vay khủng” này lên đến gần 127 tỉ đồng (gốc và lãi, theo bản án đã tuyên) khó khả thi. Dư luận cho rằng cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm rõ vấn đề trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại Ngân hàng VDB trong việc cho vay dẫn đến mất tiền vốn đầu tư của Nhà nước nêu trên. Nếu có dấu hiệu làm trái quy định trong quá trình thẩm định dự án, tài sản thế chấp, giải ngân thì cần phải điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, không có “vùng cấm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ