Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Trong đơn gửi tới Báo GD&TĐ, Công ty CP Tập đoàn Thành Nam (Công ty Thành Nam) cho biết, từ năm 2006 đến 2013, giữa Công ty Thành Nam và Công ty TNHH Posco VST (Công ty Posco VST) có quan hệ mua bán hàng hóa là thép không gỉ. Giao dịch mua bán hàng hóa dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa mà hai bên ký kết với nhau, Công ty Thành Nam đã tuân thủ theo các điều khoản của hợp đồng đã ký.
Sau nhiều năm mua bán hàng hóa với nhau, các bên không có tranh chấp về chất lượng hàng hóa, giá cả, thời hạn thanh toán… Theo đó, cả hai bên thực hiện trình tự giao dịch mua bán hàng hóa giữa hai công ty theo một quy trình khá chặt chẽ.
Cụ thể, sau khi hai bên ký hợp đồng mua bán, Công ty Thành Nam sẽ phải đặt cọc 10% giá trị hợp đồng. Căn cứ vào đó, Công ty Posco VST sản xuất hàng hóa theo hợp đồng đã ký và gửi danh sách trọng lượng hàng cho khách là công ty Thành Nam. Tiếp theo, Công ty Thành Nam gửi kế hoạch lấy hàng cho nhà sản xuất. Căn cứ vào đó, Công ty Posco VST tiến hành xuất hóa đơn VAT. Phải đến khi Công ty Thành Nam thanh toán hoặc bảo lãnh thanh toán thì Công ty Posco VST mới giao hàng.
Tuy nhiên, Công ty Posco VST cho rằng, quá trình 2 bên mua bán hàng hóa, công ty này đã giao hàng đầy đủ nhưng Công ty Thành Nam chưa thanh toán hết tiền nên khởi kiện ra Tòa án, đòi Công ty Thành Nam thanh toán số tiền nợ là hơn 58 tỷ đồng và hơn 42,3 tỷ đồng tiền lãi chậm thanh toán.
Do Công ty Posco VST có đơn khởi kiện, TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án về tranh chấp hợp đồng giữa công ty này và Công ty Thành Nam. Ngày 8 và 10/10/2018, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Posco VST và Công ty Thành Nam ra xét xử.
Ngày 10/10/2018, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết, buộc Công ty Thành Nam phải thanh toán cho Công ty Posco VST số tiền nợ gốc là 58.066.571.730 đồng và số tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 42.356.780.000 đồng. Tổng cộng là 100.423.351.730 đồng.
Công ty Thành Nam không đồng ý với phán quyết nêu trên, và cho rằng TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết trên là thiếu thuyết phục, thiếu khách quan, không minh bạch. Nguyên nhân để khẳng định được lý lẽ nêu trên của Công ty Thành Nam là bởi các tài liệu được coi là bằng chứng chứng minh giao dịch giữa Công ty Posco VST và Công ty Thành Nam gồm các phiếu xuất kho và Biên bản giao hàng đều là… tại liệu photo, được nộp trực tiếp tại phiên tòa xét xử sử sơ thẩm 8/10/2018.
Thế nhưng, Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm lại không yêu cầu Công ty Posco VST cung cấp bản gốc để đối chiếu. Điều đó cho thấy, tính xác thực của các chứng cứ không được đảm bảo. Hay nói cách khác, các chứng cứ mà Công ty Posco VST giao nộp tại phiên tòa không thỏa mãn thuộc tính của chứng cứ như: tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp…
Ngoài ra, Công ty Thành Nam còn cho rằng biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày từ ngày 8-10/10/2018 của TAND TP Hà Nội đã bị sửa chữa, thay đổi nhiều nội dung quan trọng, khác hẳn sự thật khách quan đã diễn ra tại phiên xét xử sơ thẩm.
Đơn cử, tại phiên tòa sơ thẩm Luật sư Lưu Tiến Dũng – Đại diện Công ty Posco VST không hề nêu nội dung: "Công ty Thành Nam chưa bao giờ nêu ra sai sót cụ thể nào sau đó và cho đến nay Công ty Thành Nam cũng chưa bao giờ có khiếu nại về chất lượng và số lượng hàng hóa…". Tuy nhiên, tại trang 5 của Biên bản phiên tòa mà Tòa án cấp sơ thẩm đã công bố bằng văn bản lại đưa nội dung này thành ý kiến của Luật sư Dũng.
Tương tự, tại phiên tòa Luật sư Lưu Tiến Dũng không hề nói: “Việc Công ty Thành Nam cho rằng Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 không có giá trị pháp lý vì người ký biên bản không phải người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là vô lý. Vì: tại Biên bản đối chiếu công nợ này có dấu của Công ty Thành Nam, mà theo quy định Điều 1 NĐ số 58/2001/NĐ-CP…..Như vậy, việc đại diện của Công ty Thành Nam ký và đóng dấu lên Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 đã thể hiện sự thừa nhận của công ty Thành Nam đối với giá trị pháp lý của Biên bản này, cũng như thừa nhận khoản nợ trên đối với Posco VST”. Tuy nhiên, tại trang 5+6 của Biên bản phiên tòa mà Tòa án cấp sơ thẩm đã công bố bằng văn bản lại đưa nội dung này thành ý kiến của Luật sư Dũng.
Cũng giống như Luật sư Dũng, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Hùng Cường – đại diện Công ty Thành Nam không nói: ““Thực tế mua bán hàng hóa và theo Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên từ năm 2006 đến nay đều thực hiện theo một mẫu chung thống nhất và đều không có nội dung “Xác định công nợ theo phương thức cộng dồn”. Thế nhưng, tại trang 7 Biên bản phiên tòa mà Tòa án cấp sơ thẩm đã công bố bằng văn bản lại ghi thêm nội dung này vào.
Ngoài những nội dung đã nêu ở trên, một số nội dung khác tại Biên bản phiên tòa mà Tòa án cấp sơ thẩm đã được công bố bằng văn bản cũng bị sửa chữa, cắt xén. “Việc nội dung biên bản bị cắt xen, thêm bớt như vậy đã gây bất lợi rất nhiều cho công ty chúng tôi. Điều này giống như HĐXX tòa sơ thẩm đang giúp sức để Công ty Posco VST chiếm đoạt tiền của công ty chúng tôi” – đại diện Công ty Thành Nam nói.
Dấu hiệu làm giả hồ sơ, tài liệu, giả chữ kí
Do không đồng tình với phân tích và phán quyết của Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 8 và 10//10/2018, nên Công ty Thành Nam đã làm đơn kháng cáo bản án của TAND TP Hà Nội.
Ngày 8/1/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Posco VST và Công ty Thành Nam ra xét xử phúc thẩm. Thế nhưng, theo Công ty Thành Nam tại phiên xét xử sơ thẩm này một lần nữa TAND Cấp cao tại Hà Nội lại mặc nhiên bỏ qua các nội dung bất cập của vụ án mà công ty này đã chỉ ra tại phiên tòa sơ thẩm năm 2018.
Điều này khiến Công ty Thành Nam cho rằng, TAND Cấp cao tại Hà Nội đang xét xử thiếu khách quan, khi những bằng chứng chứng minh của vụ án không được xác minh, làm rõ.
Công ty Thành Nam cho biết, ngay tại đầu phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra vào lúc 14h ngày 8/1/2020, Công ty Thành Nam đã nộp chứng cứ kèm theo đơn Đề nghị hoãn phiên tòa để giám định chữ ký của các giấy tờ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa giữ Công ty Posco VST và Công ty Thành Nam. Bởi công ty này cho rằng tập hồ sơ tài liệu do Công ty Posco VST cung cấp cho Tòa án các cấp trong suốt quá trình giải quyết vụ án đã bị làm giả nhằm chiếm đoạt tài sản của Công ty Thành Nam.
Cụ thể, trong tập “Phiếu xuất kho” tại vị trí người nhận hàng có tới tận 6 chữ ký khác nhau của anh Nguyễn Ngọc Trung – Nhân viên nhận hàng của Công ty Thành Nam thời điểm đó. Đây là tập tài liệu được xuất ra từ hệ thống dữ liệu của Công ty Posco VST. Như vậy, Công ty Thành Nam không thể có các tài liệu này cho đến khi được sao chụp tài liệu do Công ty Posco nộp tại Tòa.
“Nhận thấy dấu hiệu làm giả hồ sơ, tài liệu của Công ty Posco VST, đồng thời nội dung này cũng đã được chúng tôi phản ánh trong Đơn kiến nghị khẩn cấp ngày 26/8/2019 gửi tới TAND Cấp cao tại Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng cho đến tận thời điểm sắp diễn ra phiên tòa phúc thẩm ngày 8/1/2020, công ty chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi hay hành động nào để xác minh sự việc này từ quý Tòa cấp phúc thẩm” – đại diện Công ty Thành Nam cho biết.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, để làm rõ chữ kí của anh Nguyễn Ngọc Trung đã ký tại thời điểm giao dịch với Công ty Posco VST. Ngày 7/1/2020, đại diện Ban Giám đốc của Công ty Thành Nam đã gặp anh Trung để trao đổi, làm rõ thì anh Trung khẳng định chỉ có duy nhất 1 chữ ký trong suốt thời gian làm việc tại chi nhánh HCM của Công ty Thành Nam và dùng chữ ký này để nhận hàng hóa tại kho của Công ty Posco VST. Kèm theo đó, Công ty Thành Nam đã gửi bản tường trình, đơn đề nghị xác minh chữ ký gửi tới TAND Cấp cao tại Hà Nội và CMND bản chứng thực của anh Trung.
Đây chính là một trong rất nhiều lý do bất thường để Công ty Thành Nam gửi đơn đề nghị hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 8/1/2020 để làm rõ, giám định chữ ký giả mạo của anh Nguyễn Ngọc Trung trong các tài liệu giao nhận hàng với Công ty Posco VST nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty Thành Nam.
“Việc giả mạo chữ ký của người khác nhằm tạo dựng hồ sơ tài liệu giả mạo để đi kiện tụng nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty chúng tôi là một việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng có yếu tố hình sự từ phía công ty Posco VST. Lẽ ra, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hoãn phiên tòa để điều tra xác minh các tài liệu đó. Tuy nhiên, không hiểu lý do từ đâu và vì sao Hội đồng xét xử phúc thẩm – TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn ung dung tiếp tục xét xử, dung túng một cách thiên lệnh cho hành vi vi phạm nghiêm trọng của Công ty Posco VST” – đại diện Công ty Thành Nam đặt câu hỏi.