Vụ 7 công nhân tử vong ở Yên Bái: Đau thương người ở lại

GD&TĐ - Sự cố về điện khiến dịch chuyển lò nghiền xi măng, cuốn các công nhân đang thao tác sửa chữa, làm 7 người chết, 3 người bị thương...

Nhà máy xi măng, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều công nhân tử vong.
Nhà máy xi măng, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều công nhân tử vong.

Đang trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa nhưng chiếc máy nghiền xi măng số 3 bên trong nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (Công ty Xi măng Yên Bái) bất ngờ hoạt động. Sự cố này đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của 7 công nhân và khiến 3 người khác bị thương.

Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã triển khai hỗ trợ ban đầu đối với các nạn nhân, phối hợp với các gia đình có người tử nạn để lo hậu sự.

Thảm kịch tai nạn lao động

Đối với nhiều người dân Yên Bái, ngày 22/4 là một ngày đau thương. Những chiếc xe cứu thương hú còi hoạt động hết công suất cho nỗ lực đưa các công nhân vụ tai nạn lao động bên trong Công ty Xi măng Yên Bái đi điều trị. Đáng tiếc, 7 người đã tử vong, 3 công nhân còn lại vẫn đang phải điều trị.

Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái tiền thân là Nhà máy Xi măng Yên Bái, doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập ngày 2/9/1980. Công ty chính thức hoạt động dưới mô hình công ty CP từ ngày 1/1/2004. Trụ sở chính của doanh nghiệp có địa chỉ tại số 274, đường Hương Lý, tổ 12, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao. Vốn điều lệ hiện tại của công ty là 118 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Vũ Xuân Nguyên; Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Phạm Quang Phú.

Báo cáo sơ bộ từ UBND tỉnh Yên Bái, sự việc xảy ra trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 bên trong nhà máy của Công ty Xi măng Yên Bái. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sự cố động cơ điện của máy nghiền, dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.

Về phía Công ty Xi măng Yên Bái, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc công ty cho biết: Theo thông lệ sản xuất, từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút hằng ngày, đơn vị cho dừng hoạt động các lò quay nghiền, do vào giờ cao điểm của điện lực khuyến cáo cần sử dụng tiết kiệm điện.

Ngày 22/4, sau ăn trưa, tổ thợ gồm 10 người do anh Lê Mạnh Cường làm trưởng ca tiến hành công đoạn bảo dưỡng thường xuyên, thay tấm lót trong máy nghiền (dự kiến 90 phút).

Theo đúng quy trình an toàn lao động phải ngắt điện, sau đó, các thợ vào trong lồng tiến hành siết các ốc vít và thay các tấm lót. Nhưng do bất cẩn trong quá trình ngắt, mở điện đã làm động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động, khiến dịch chuyển lò nghiền, cuốn các công nhân đang thao tác sửa chữa, làm 7 người chết, 3 người bị thương.

Người thân của nạn nhân Th. khóc nghẹn trong tang lễ.

Người thân của nạn nhân Th. khóc nghẹn trong tang lễ.

Thời khắc kinh hoàng

Sau gần một ngày cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, 3 công nhân may mắn sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng, run sợ.

Kể lại giây phút sinh tử, anh Nông Văn Tuân (29 tuổi, trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) run run: “12 giờ 30 phút ngày 22/4, tôi cùng 9 công nhân bảo dưỡng định kỳ máy số 3 trong bốn máy nghiền tại đây. Công việc này đã kéo dài nửa tháng, cho đến khi tai họa ập đến…”.

Theo lời kể, nhóm công nhân ba người gồm anh Tuân và Phạm Minh Dương (27 tuổi), Phan Ngọc Long (43 tuổi), được phân công sửa chữa bên ngoài. 7 người còn lại chui vào bên trong cỗ máy hình trụ dài 7m, cao 5m để thay các tấm lát bị mòn. Công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần người bên ngoài phối hợp bên trong bắt vít cố định tấm lát.

Như thường lệ, một người trong nhóm thông báo bộ đàm về trung tâm điều khiển để ngắt nguồn điện cấp cho máy. Khi có hiệu lệnh xác nhận, nhóm mới bắt tay sửa chữa.

Khoảng 25 phút sau khi nhóm bắt đầu công việc, máy nghiền bất ngờ hoạt động trở lại. Hàng nghìn viên bi sắt bên trong văng tung tóe ra ngoài, bụi xi măng bay mù mịt. 3 công nhân trên nóc máy ngã nhào từ độ cao 5m xuống đất. Anh Tuân bị trẹo chân, trong khi 2 người khác bị thương nặng, nằm im tại chỗ.

Còn anh Phạm Minh Dương (27 tuổi) sau khi thoát chết trong gang tấc cho biết, vẫn đang rất mệt do bị gãy đốt sống và đa chấn thương. “Anh em chúng tôi đang bảo trì thì máy nghiền xoay hất văng những người ở bên ngoài xuống đất. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến không ai kịp trở tay”, anh Dương kể lại.

Nằm trên giường bệnh với một bên chân và tay bị bó bột, anh Phan Ngọc Long (43 tuổi) cho biết: Trước khi máy nghiền hoạt động, anh Long được người trực ca giao đứng trên nóc chờ đồng nghiệp đẩy ốc từ bên trong ra để bắt vít. Khi mới lắp được hơn chục tấm lát, máy hoạt động trở lại, đẩy anh cùng đồng nghiệp xuống đất.

Bị thương nặng, nhưng anh Long vẫn kịp gượng dậy hô hai tiếng “tắt máy”, rồi nằm bất tỉnh. Vài phút sau, người trong nhà máy có mặt tại hiện trường và đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái...

Gạt nước mắt, ông Nông Văn Toàn (43 tuổi, chú ruột của 2 nạn nhân N.V.T., sinh năm 1985 và N.V.Th., sinh năm 1991 cùng trú xã Xuân Lai, huyện Yên Bình) cho biết: Th. và T. là hai anh em ruột. Th. hiện đã có vợ và 2 người con, còn T. chưa lập gia đình, hiện đang sinh sống với bố mẹ.

“Hai cháu là trụ cột chính trong gia đình. Th. và T. đi làm được khoảng 8 năm. Nghe tin cháu bị tai nạn tử vong gia đình chúng tôi ai nấy đều bị sốc, cảm giác như chết lặng”, ông Toàn chia sẻ.

Ông Mai Văn Châu (57 tuổi, chú ruột của nạn nhân M.T. H.) cho biết, ngay khi nhận được tin H. không may tử vong do tai nạn lao động, ông gần như chết lặng, chân tay bủn rủn. “Cháu H. hiện chưa lập gia đình, đang ở cùng mẹ. Nghe tin cháu mất, mẹ của cháu không kìm được nước mắt, ngã quỵ tại chỗ”, ông Châu chia sẻ

Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng các cơ quan chức năng của tỉnh này đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, họp bàn và chỉ đạo các biện pháp để xử lý, giải quyết sự cố vụ tai nạn, chỉ đạo khẩn trương điều tra nguyên nhân sự cố để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có gia đình nạn nhân bị thiệt mạng tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời hỗ trợ, động viên các gia đình vượt lên mất mát, đau thương, sớm ổn định cuộc sống.

Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã triển khai hỗ trợ ban đầu đối với các nạn nhân, phối hợp với các gia đình có người tử nạn để lo hậu sự. Các công nhân bị thương đã được Bệnh viện Đa khoa Yên Bái chữa trị tích cực, hiện sức khỏe ổn định.

TS.LS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều công nhân tử vong, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây đau thương mất mát đến nhiều gia đình. Trong vụ việc này hậu quả thiệt hại về tính mạng của nhiều công nhân đã được xác định, vấn đề quan trọng là cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc khởi động máy, bảo dưỡng sửa chữa có đúng quy trình, quy định về an toàn lao động hay không? Trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành thuộc về ai?

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy quy trình bảo quản, sửa chữa máy móc này không đảm bảo an toàn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, mà người vi phạm quy định còn sống thì sẽ xem xét xử lý hình sự người này về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự, thì vấn đề bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động cũng sẽ được đặt ra đối với người có lỗi hoặc đối với doanh nghiệp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ