Vụ 133 người ngộ độc ở Đà Nẵng: Thêm 89 người nhập viện

Vụ 133 người ngộ độc ở Đà Nẵng: Thêm 89 người nhập viện

Ngày 10/5, trao đổi với báo GD&TĐ, ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho hay, liên quan đến vụ hơn 100 người dân huyện Hòa Vang bị ngộ độc thực phẩm vào tối 7/5, BQL An toàn thực phẩm thành phố đã tiến hành lấy mẫu thức ăn và đem đi xét nghiệm.

“Dự kiến trong thứ 2 hoặc thứ 3 tuần sau sẽ có kết quả xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm thì hội đồng chuyên môn sẽ đánh giá kết quả và đưa ra kết luận cuối cùng. Khi có kết luận cuối cùng sẽ có thông cáo báo chí để thông tin cho người dân được biết” - ông Hải thông tin thêm.

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, tính đến 10 giờ ngày 9/5, đã có thêm 89 người nhập viện, nâng tổng số người bị ngộ độc lên đến 222 người. Hiện nay, đã có 82 người ổn định sức khỏe và cho xuất viện về nhà. Riêng 140 người còn lại đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản Nhi và Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ.

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay các bệnh nhân đã được điều trị ổn định, chưa có trường hợp chuyển biến nặng.

Trước đó, từ tối ngày 7/5 đến rạng sáng 8/5, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang tiếp nhận 133 người ở 3 xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương có triệu chứng nôn ói, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy.

Theo BQL An toàn thực phẩm, ngay khi có thông tin từ đường dây nóng an toàn thực phẩm vào tối 7/5, Đội điều tra ngộ độc thực phẩm (thuộc BQL An toàn thực phẩm) đã tiếp cận hiện trường trong đêm; phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Y tế Hoà Vang, Công an thành phố; UBND huyện Hoà Vang. Đến sáng 8/5, cơ quan chức năng đã điều tra, xử lý, khoanh vùng và lấy mẫu gửi xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra vụ việc.

BQL cho biết, qua điều tra ban đầu, thức ăn nguyên nhân nghi ngờ là các món ăn tự chế biến tại các hộ gia đình. Nguyên liệu làm những món ăn này chủ yếu được chế biến từ thực vật,  mua tập trung chủ yếu tại một số hộ ở chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hoà Vang).

Các nguyên liệu mà người dân mua về chế biến món ăn cho gia đình đa số là chả cây, chả đòn, nem, ram (các món này có thể ăn trực tiếp không qua nấu hay chế biến lại) và đậu khuôn. Bữa ăn nguyên nhân nghi ngờ là bữa trưa và tối của ngày 7/5.

BQL đã điều tra nơi bán hàng tại chợ Túy Loan cho thấy, đậu khuôn, chả đòn, nem là do một số cơ sở nơi khác sản xuất và cung cấp cho hộ kinh doanh tại chợ; Còn lại một số chả cây và ram là do một số hộ kinh doanh tại chợ Tuý Loan tự chế biến và bán cho người dân trong vùng.

Trong tối 7/5, BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành điều tra, kiểm tra; khoanh vùng các nơi kinh doanh tại chợ, nơi đã cung cấp thực phẩm nghi nghờ nêu trên và lấy 18 mẫu tại các gia đình và nơi cung cấp nguyên liệu để xét nghiệm tìm nguyên nhân (12 mẫu tại chợ Túy Loan, 5 mẫu tại gia đình, 1 mẫu đậu khuôn tại nơi sản xuất).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.