Từ ngày 23-11, tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp triển khai ở phía đông Địa Trung Hải sẽ bắt đầu chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Pháo hạm Nga bắn lần thứ hai
Ngày 22-11, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo như trên.Ông cho biết các máy bay trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle sẽ tấn công Mosul ở Iraq (nơi đưa ra các quyết định chính trị của Nhà nước Hồi giáo) và Raqqa ở Syria (nơi tập trung huấn luyện các tay súng nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo đưa sang châu Âu tấn công khủng bố).
Ông nhấn mạnh ngoài hai địa điểm này còn phải đánh mạnh vào nguồn cung cấp cho Nhà nước Hồi giáo như kho xăng dầu, giếng dầu.
Tàu sân bay Charles-de-Gaulle chở theo 26 máy bay gồm 18 máy bay Rafale và tám máy bay Super-Etendard. Pháp đã bố trí 12 máy bay ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Jordan.
Trong khi đó, báo Le Monde (Pháp) đưa tin cùng ngày 22-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ và các đồng minh sẽ kiên trì tiếp tục cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Phát biểu trên được đưa ra tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur (Malaysia) trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN.
Về phần Nga, sau sự kiện Nhà nước Hồi giáo đặt bom làm rơi máy bay Nga trên bán đảo Sinai (Ai Cập), từ nay Nga đã đặt tên cho chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria là chiến dịch “Báo thù”.
Hôm 20-11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo chỉ trong vài phút các tàu chiến Nga ở biển Caspian đã bắn 18 tên lửa hành trình sang bảy vị trí quân Nhà nước Hồi giáo tại ba thành phố Raqqa, Idleb và Aleppo ở Syria.
Các tên lửa hành trình đã tiêu diệt hơn 600 tay súng Nhà nước Hồi giáo. Đây là lần thứ hai pháo hạm Nga bắn tên lửa hành trình sang Syria.
Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin trong khi đó không quân Nga cũng đã tăng cường ném bom ở Syria với mức độ ác liệt cao nhất từ trước đến nay.
Tăng cường bảo vệ nhà thờ chính tòa ở Milan (Ý). Ảnh: EPA
Châu Âu tăng cường an ninh
Từ sau vụ tấn công khủng bố ở Pháp tối 13-11, nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp an ninh. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron thông báo sẽ tăng thêm 15% nhân viên cho các cơ quan tình báo. Mức cảnh báo khủng bố được nâng lên mức “nghiêm trọng” (có nguy cơ cao sẽ xảy ra tấn công).
Tại London, trong hai tuần tới cảnh sát sẽ không trừng phạt những người giao nộp súng đã giữ trái phép.
Đài truyền hình Sky News đưa tin Thủ tướng David Cameron đã kêu gọi Quốc hội nhất trí cho phép tiến hành không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Trong vòng hai tuần nữa Quốc hội sẽ bỏ phiếu vấn đề này.
Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizìere đã khẳng định: “Đức cũng là mục tiêu khủng bố”. Cảnh sát đã được tăng cường tuần tra. Sân bay tăng cường kiểm tra. Các trung tâm tiếp nhận người nhập cư được bảo vệ kỹ hơn để tránh các phần tử cực hữu phá rối.
Ý đã nâng mức báo động lên cấp 2, tức gần đến mức cảnh báo tối đa. Các biện pháp an ninh đã được củng cố nhân dịp Năm Thánh. Dự kiến từ ngày 8-12 tới hàng triệu giáo dân sẽ đổ xô về Rome.
Trong những ngày qua, các đoàn tàu điện ở Rome và Milan đã nhiều lần tạm dừng vì cảnh sát phát hiện nhiều vật dụng khả nghi. Mỹ đã thông báo với Ý có năm tên sẽ tấn công khủng bố ở Ý.
Đại sứ quán Mỹ tại Rome cho biết FBI đã liệt kê các mục tiêu có nguy cơ ở Ý gồm quảng trường Thánh Phêrô ở Rome, nhà thờ chính tòa và nhà hát La Scala ở Milan, các nhà thờ Công giáo, đền thờ Hồi giáo, nhà hàng, nhà hát và khách sạn ở Rome và Milan.
Đại sứ quán Mỹ cho biết bọn khủng bố có thể sử dụng cách thức đánh bom tương tự ở Pháp. Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Nội vụ Jorge Fernandez Diaz đã thông báo giữ mức cảnh báo khủng bố ở mức 4 (tối đa là mức 5) đã nâng hồi tháng 6. Biên giới với Morocco đã được tăng cường an ninh.
Bỉ truy lùng một tên mang đai bom Ngày 22-11 là ngày thứ hai Bỉ thực hiện mức cảnh báo khủng bố tối đa. Các cửa hàng và tàu điện ngầm vẫn ngừng hoạt động. Các trận thi đấu thể thao cũng như các sự kiện vui chơi giải trí tiếp tục bị hủy. Báo Le Soir (Bỉ) đưa tin cơ quan điều tra đang theo dấu hai tên, trong đó có một tên có thể mang đai bom. Trong ba toán khủng bố tham gia vụ tấn công ở Paris tối 13-11, bảy tên đã nổ bom tự sát, chỉ duy nhất có tên Salah Abdeslam trốn thoát. Tên này là công dân Pháp, sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Ngay sau vụ tấn công, hắn gọi cho đồng bọn tiếp ứng. Hai tên Mohammed Amri (27 tuổi) và Hamza Attou (20 tuổi) đã từ Bỉ dùng một chiếc xe Golf sang Pháp đón (hai tên này đã bị bắt). Ngày 21-11, nữ luật sư Carine Couquelet là người bào chữa cho Hamza Attou cho biết theo lời khai của Hamza Attou, trên đường đào tẩu, Salah Abdeslam cực kỳ căng thẳng. Hắn không mang súng mà chỉ mặc một áo vét rộng, có thể đó là áo bom. Cùng ngày, kênh truyền hình Mỹ ABC đưa tin Salah Abdeslam có trò chuyện với một người bạn qua Skype. Hắn nói đang ở Brussels và hỏi đường sang Syria để trốn truy nã. Hắn nhờ người bạn nói lại với gia đình rằng hắn xin lỗi gia đình. Hắn giải thích sợ bọn Nhà nước Hồi giáo ở châu Âu trừng phạt vì hắn đã không nổ bom tự sát như đồng bọn. Trong câu chuyện này có mâu thuẫn ở chỗ nếu Salah Abdeslam sợ bị trả thù thì tại sao lại muốn quay về căn cứ Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Trong tuyên bố nhận trách nhiệm vụ khủng bố ở Pháp tối 13-11, bọn Nhà nước Hồi giáo có nói Salah Abdeslam phụ trách vụ tấn công ở quận 18, thế nhưng vụ này đã không xảy ra. Ngày 22-11, báo chí Canada đưa tin một máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) bay tuyến New York (Mỹ) - Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống Halifax (Canada) vì báo động có bom trên máy bay. Máy bay chở 256 hành khách và phi hành đoàn. 100 máy bay tiêm kích tàng hình sẽ được Anh mua thêm để tấn công Nhà nước Hồi giáo theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne. ______________________________________ Chúng ta sẽ tiêu diệt chúng. Chúng ta sẽ thu hồi đất đai chúng đang ở. Chúng ta sẽ phá hủy nguồn tài chính của chúng. Chúng ta sẽ săn lùng bọn đầu não. Chúng ta sẽ triệt phá mạng lưới của chúng, các đường tiếp tế và chúng ta sẽ tiêu diệt chúng. Tổng thống BARACK OBAMA |