Ngày 4/7, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện vừa phẫu thuật trường hợp vỡ trực tràng do thải độc (detox) bằng phương pháp thụt tháo cà phê.
Bệnh nhân tên Đ.T.P. (nữ, 38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu.
Trước đó, chị P. sử dụng phương pháp thụt tháo cà phê 2 lần, mỗi lần cách nhau một tuần.
Đến lần thứ 3, người phụ nữ thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn.
Thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cộng hưởng từ cho thấy, hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.
Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, chị P. sẽ phải thực hiện một cuộc phẫu thuật nữa sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, trên cộng đồng mạng đang lan truyền một phương pháp thải độc (detox) được cho là có nhiều tác dụng như chống táo bón, trị bách bệnh.
Đó là phương pháp thụt cà phê qua đường hậu môn nhằm mục tiêu "làm sạch" đại tràng.
Trên thực tế, việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt cà phê là không đại tiện được.
Việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa. Vì vậy, rất dễ bơm quá nhiều thuốc vào trực tràng gây vỡ.
Không những vậy, đưa thuốc theo con đường trái tự nhiên, sẽ đẩy hệ vi sinh đường ruột vào trạng thái mất cân bằng. Thụt cà phê có thể gây viêm đại trực tràng.
Các chuyên gia lưu ý, thụt tháo đại tràng là một phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.
Thay vì áp dụng các phương pháp không chính thống, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ… Đồng thời hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.