Mục đích của việc kiểm tra này là xác định độ tuổi khán giả có phù hợp với phim gắn nhãn 18+ đang chiếu hay không.
Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định rõ tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
Theo đó, tiêu chí phân loại phim bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; Tiêu chí về bạo lực; Tiêu chí về khỏa thân, tình dục; Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Tiêu chí về kinh dị; Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Theo các tiêu chí này, phim chiếu rạp ở Việt Nam được phân loại thành các mức: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Nguyên tắc đầu tiên của việc phân loại phim ở Việt Nam là để Bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực.
Tuy nhiên thực tế đã cho thấy, vì mục đích doanh thu, một số nhà rạp đã không thực hiện nghiêm túc việc bán vé xem phim theo đúng độ tuổi; nhiều khán giả chưa đến tuổi 13 đã đi xem phim dán nhãn 13+, chưa đủ tuổi 16 hay 18 đã xem phim 16+, 18+.
Ở trường học và gia đình thì sao? Các thầy, cô giáo và các bậc làm cha mẹ đã chú ý đúng mức tới điều này? Một buổi liên hoan lớp của lớp 9, Ban phụ huynh tổ chức cho các con đi xem phim, hồn nhiên nghe giới thiệu của nhà rạp về phim mới phát hành, hồn nhiên đồng ý theo sự lựa chọn của các con và liên hệ để bao trọn rạp chiếu cho các con xem một bộ phim gắn nhãn 18+. Việc ấy có không? Có, ngay giữa lòng Thủ đô.
“Ôi dào, việc cái gì”. “Có gì đâu”. “Chúng nó biết cả rồi”. Đó là những câu cửa miệng mà chúng ta thường nghe.
Câu nói có vẻ không sai, nhưng về sâu xa chúng ta đã sai từ gốc.
Bởi đâu phải chỉ là câu chuyện xem một bộ phim. Chúng ta đã “vô tình” mà phạm luật, vô tình dạy trẻ nói dối, vô tình dạy trẻ thói xem thường pháp luật. Những đứa trẻ biết phân biệt đúng sai cũng sẽ nghĩ gì về sự “vô tình” ấy của người lớn?
Kiểm soát khán giả xem phim đúng độ tuổi cũng giống như kiểm soát người dưới 18 tuổi uống rượu bia, đi mua rượu bia. Một điều tưởng là nhỏ mà không nhỏ chút nào, bởi tất cả đều liên quan tới nhận thức, sự phát triển về nhân cách của mỗi người, sự vận hành của một xã hội tôn trọng kỷ cương, luật pháp.