Vợ “độc

GD&TĐ - Lúc yêu nhau, mặc dù anh và em có những sở thích không tương đồng, nhưng vì muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông, vì yêu em nên anh chiều em hết mình. 

Vợ “độc

Anh thích xem bóng đá và tối hôm đó có một trận cầu rất hay, nhưng em lại muốn đi xem phim, nên dù trời mưa gió, anh vẫn cố gắng đội mưa chở em đi xem phim và ăn khuya.

Tiệc sinh nhật của anh, anh muốn đãi ở nhà cho có không khí ấm cúng, nhưng em không thích, anh vẫn theo lời em, dẫn bạn bè ra quán để tránh việc em và gia đình anh "va chạm".

Mỗi khi vào quán ăn, em vốn ghét món xào, món rán (những món mà anh thích), anh vẫn cho em được quyền "đi chợ". Đã đôi lần anh nhờ em mua áo sơ mi màu trắng, xanh nhạt, nhưng em lại mang về những chiếc áo "tắc kè hoa" sặc sỡ... Thấy chuyện nhỏ nhặt, anh phớt lờ để cho em vui và để tình yêu chúng mình thêm phần sâu đậm, tiến đến hôn nhân.

Anh nghĩ, không cùng sở thích đôi khi cũng tốt, bổ trợ cho nhau, hơn là cùng thích một thứ lại đâm ra nhàm chán, tẻ nhạt.

Khi chúng ta cưới nhau, em vẫn lấn lướt anh bằng những sở thích "độc tài". Chưa bao giờ em đi chợ mà anh hỏi một tiếng, chẳng hạn như: "Hôm nay anh muốn ăn gì?", "Anh thích gì em làm cho anh ăn", "Em mua thứ gì tẩm bổ cho anh nghen?"...

Em toàn mua những thứ em thích, lại để dùng dần trong một tuần như là sợ chợ dọn đi nơi khác, hoặc có “sự cố ỲK” như năm 2000. Đã vậy em còn tâm sự với hàng xóm rằng, em đã làm tất cả là vì anh, chiều anh hết mình, muốn gì được nấy, chẳng có thằng đàn ông nào được như anh.

Có hôm, anh bạo miệng nói: "Em đi chợ mua cho anh rau đắng nấu canh cá lóc nghen, anh thèm quá!". Em nhăn nhó ngay: "Đắng lắm, em không ăn được, mua thứ khác đi". "Vậy mua rau mồng tơi nấu canh cá nhé!". Em phản ứng kịch liệt liền: "Rau đó nhớt lắm chồng ơi!". Thế là vẫn như mọi hôm, em mua theo ý của em, anh không còn sự lựa chọn nào khác là cố gắng ăn cùng em cho vui.

Bởi những ý kiến anh đưa ra đều bị em phản bác, cho qua hoặc tìm cách ngăn lại. Chuyện trang phục của anh cũng bị em "mổ xẻ". Em cứ luôn đóng vai người tư vấn trang phục, bắt anh mặc cái này, cái kia cho trẻ trung, sành điệu..., trong khi anh lại thấy thiếu tự tin.

Đã có lần bạn bè cùng cơ quan cười chọc quê anh vì cái tội ăn mặc cứ như mấy cậu choai choai 18, 20 tuổi. Mà nếu không mặc thì em giận dỗi, cho rằng anh lãng phí, không trân trọng những gì đang có và xem thường em.

Thậm chí chuyện giải trí của anh cũng không được yên thân vì em. Anh đang xem bóng đá trên tivi, em ngang nhiên chuyển qua kênh phim truyện; anh xem hài kịch thì em tắt ngay tivi vì cho rằng nó quá vô duyên; bạn bè anh gọi em cũng không cho nghe vì em bảo "Tay đó xài không vô, chơi làm gì!".

Em à, anh và em đã là người một nhà. Anh đã gò mình vào sở thích chung của vợ chồng ta, cố gắng sao cho cả hai không phải "lệch pha".

Vậy còn em, đến khi nào em mới nhận ra là mình đang "độc tài"? Mục tiêu hướng đến khi kết hôn bao giờ cũng là xây dựng tổ ấm, yêu thương nhau, chia sẻ những gian khó, nhường nhịn nhau để đi đến tận cùng của hạnh phúc, sống đến trọn đời.

Anh hiểu, phận làm đàn ông, làm chồng hết sức trọng đại, nặng gánh. Bởi nguyên tắc cố hữu là đàn ông, là chồng phải ga lăng, chiều chuộng phụ nữ, vợ mình.

Và anh đã cố hết sức mình để làm điều đó vì em vì một gia đình lý tưởng hoàn hảo. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn em ạ! Khách quan mà nói, đúng là em yêu anh, lo cho anh nhưng đó chỉ là một chiều bởi em không tôn trọng anh, chưa bao giờ lắng nghe anh nói hoặc góp ý. Gia đình ngoài việc cộng hưởng còn tương tác, hỗ trợ, tôn trọng nhau.

Vì vậy, chồng mong rằng vợ hãy vì chồng, vì gia đình mà "giảm nhiệt" sự độc tài để gia đình mình thêm hòa hợp, đầm ấm. Cuộc hôn nhân của chúng ta chỉ là sự khởi đầu cho hành trình đầy chông gai phía trước nên hãy cùng nhau nắm tay vượt qua những giông bão của cuộc đời, em nhé!n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.