Khi nhắc đến vợ chồng Tây người ta sẽ nghĩ ngay đến một gia đình thật đầy đủ, sung túc,… Thế nhưng đối với đôi vợ chồng ông Nguyễn Văn Trưng (SN 1949, gốc Pháp) và bà Nguyễn Thị Bé (SN 1958, quê ở Bến Tre) lại hoàn toàn ngược lại.
Vợ chồng Việt - Tây gắn bó với nhau đã hơn 20 năm. Ảnh: Ngọc Nhiên
Sinh ra không ai biết trước số phận
Khi được sinh ra không ai có thể biết trước hay tự quyết định được số phận của mình. Đối với đôi vợ chồng Tây ông Trưng và bà Bé (hay gọi là cậu mợ Ba) cũng như thế. Đến với nhau cũng vì duyên nợ chứ không hề nghĩ đến vật chất.
Vào một buổi trưa cuối tuần, tôi tìm đến nhà cậu mợ Ba qua lời chia sẻ của một người bạn trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn gia đình. Khi tôi vừa đến, mợ Ba vừa mới bán xong cọc vé số vừa đi vừa đếm những đồng tiền lẻ vội về lo cho cậu Ba bị bệnh đang ở nhà.
Tôi vội chào mợ, điều khiến tôi càng thêm xót thương hoàn cảnh của gia đình cậu mợ Ba hơn là dù trời nắng rất to nhưng mợ Ba chỉ mặc chiếc áo mỏng tang, đầu trần không đội mũ, làn da đã ngâm đen, gương mặt đầy vết nhăn, nhưng lúc nào cũng luôn nở một nụ cười lạc quan. Mợ Ba gọi tôi là ‘con’, cách gọi thân mật mà khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp bởi với mợ Ba ai cũng đều là con của mình.
Cả hai sống với nhau được một người con trai, nhưng mắc bệnh khù khờ di truyền từ cậu Ba. Ảnh: Ngọc Nhiên
Qua trò chuyện được biết, cách đây khoảng 30 năm trước, mợ Ba cùng gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Còn cậu Ba thì sống ở Sài Gòn và làm trong đội cờ đỏ của chợ gần con kênh Lò Gốm này.
Sau đó, mợ Ba được một người giới thiệu rồi họ về ở với nhau từ đó. Lúc trước thì cậu mợ Ba làm nhà ở trên con kênh. Nhưng khi giải tỏa thì phải đi thuê nhà trọ để trú ngụ và cậu mợ sống với nhau được một người con trai, tên Nguyễn Phú Khải (hay gọi là Long).
Cậu Ba- người Việt lai Tây luôn cố gắng giúp đỡ vỡ trong việc bán vé số mặc dù đang mắc bệnh. Ảnh: Ngọc Nhiên
Khi hỏi về ông bà, mợ Ba chia sẻ: "Mợ thì ở Bến Tre, cha mẹ cũng mất hết rồi, còn cậu Ba thì gốc ở Việt-Pháp, cha của cậu Ba thì người Pháp còn mẹ thì người Việt (cả hai giờ đều đã mất).
Nhưng do bị thất lạc gia đình và giấy tờ nên phải ở lại Sài Gòn. Nên người thân cũng không biết ai hết" (Nói rồi mợ Ba rớt nước mắt nhìn cậu Ba).
Căn phòng trọ của gia đình 3 người chỉ vỏn vẹn máy món đồ từ hàng sớm cho. Ảnh: Ngọc Nhiên
Trong căn phòng nhỏ ấy là nơi trú ngụ của 3 người, các đồ đạc trong phòng hầu hết đều được mọi người xung quanh biết được hoàn cảnh của cậu mợ Ba nên cho. Chỉ duy nhất là cái quạt do mợ Ba đi bán làm thuê đủ thứ mới mua được đem về quạt cho cậu Ba và con trai ngủ trưa nhưng khi trời nóng và cái chiếu mỏng.
Những đồ đạc dùng để nấu ăn của cả gia đình cậu mợ Ba. Ảnh: Ngọc Nhiên
Đôi vai gầy người phụ nữ loan tất cả
Mợ Ba, người phụ nữ duy nhất, cũng là trụ cột của gia đình bởi sau nhiều năm sinh sống mới biết cậu Ba bị khờ, cậu Ba không biết chữ, không biết đếm nên khi đi bán vé số hay quên lấy tiền, thậm chí bị lừa mà cũng không biết.
Chính vì vậy, người con trai duy nhất cũng vì di truyền mà bị bệnh chậm phát triển nên thường hay bị bạn bè trêu chọc, mặc cảm nên Long nghỉ học từ bé.
Đứa con trai duy nhất đi chơi ở vòng nhà thường hay bị bạn bè trêu ghẹo, dụ dỗ bởi bị chậm phát triển. Cậu mợ Ba khi đến giờ cơm phải gọi điện thoại để bảo con về. Ảnh: Ngọc Nhiên
Mặc dù, Long đã 25 tuổi nhưng do chậm phát triển nên hay bị dụ dỗ đi chơi. Nhưng mợ Ba luôn cố gắng khuyên bảo con trai để tránh những điều xấu và điều không tốt.
Mảnh giấy ghi địa chỉ nhà, mợ Ba nhờ hàng xóm viết giúp đưa cho Long để khi con trai đi lạc mà tìm được về nhà. Ảnh: Ngọc Nhiên
Hằng ngày, buổi sáng 7 giờ thì cậu mợ Ba đi lấy vé số để bán dọc con kênh gần nhà, rồi đến trưa thì về nghỉ trưa, mợ Ba phải nấu cơm cho cậu Ba và con trai ăn.
Có hôm không bán được đồng nào cả nhà phải ăn mì gói sống qua ngày. Chiều khoảng 1 giờ thì cậu mợ Ba lại đi tiếp, bán khi nào hết sớm thì về sớm.
Nhưng do gần đây cậu Ba bị bệnh hở van tim và đau cột sống nên chỉ có mình mợ Ba đi bán. Dù hôm đó bán không hết thì cũng phải trả lại cho đại lý bởi cậu Ba và đứa con trai bị bệnh ở nhà không ai lo.
Sâu trong đôi mắt đượm buồn của mợ Ba là nỗi lo toan cho chồng cho con. Ảnh: Ngọc Nhiên
Mỗi ngày, mợ Ba lấy khoảng 150 tờ vé số, mỗi tờ chỉ lời có 1 ngàn đồng. Có những lúc mợ Ba muốn buông xuôi bỏ đi, nhưng nghĩ đến cậu Ba và Long nên không bỏ được mà phải cố gắng đi bán cho kịp giờ sổ.
Ngoài việc bán vé số, mợ Ba còn đi làm tất cả những việc mà ai thuê miễn sao có tiền lo thuốc cho chồng và con, tiền nhà, tiền ăn của gia đình.
Đôi bàn tay của cậu Ba đã đen xạm lại vì đi bán những tờ vé số mà phải bán mặt, tay lưng cho cái nắng của trời. Ảnh: Ngọc Nhiên
Nhìn mợ Ba mà tôi cảm thấy thật nể phục mợ, bởi chỉ với đôi vai gầy, nhỏ nhắn nhưng mợ Ba lại lo toan được hết cho chồng cho con.
Mợ luôn lạc quan yêu đời, lúc nào cũng mỉm cười nhưng nhìn sâu vào đôi mắt của mợ tôi cảm nhận được nỗi buồn, nỗi lo của mợ.
Mợ Ba luôn trò chuyện hỏi thăm sức khỏa của chồng những khi đi bán về sớm. Ảnh: Ngọc Nhiên
Đôi vai nhỏ nhắn ấy, luôn nghĩ cho chồng cho con, lo cho làm sao có được bữa cơm đơn giản chỉ cần có cơm và rau thôi cũng đã cảm thấy ấm lòng. Nghị lực của mợ Ba đều khiến cho ai cũng phải ngưỡng mộ và thương xót bởi hoàn cảnh trớ trêu, khác xa với những quan niệm về ‘vợ chồng Tây’.