(GD&TĐ) - Sự bền vững của một cuộc hôn nhân không chỉ dựa trên nền tảng tình yêu, nó còn phải được thử thách và cọ xát trong thực tế khi hai người cùng nhau chung sống.
Những đôi vợ chồng tiểu thư – công tử thời hiện đại sau những giấc mộng xa rời thực tế đối diện với đời thường là những lo toan cơm áo, họ không biết nhường nhịn nhau và rồi những rạn nứt bắt đầu.
Vợ tiểu thư, chồng công tử
Lấy chồng khi Hà vừa bước vào tuổi 20, chồng cũng chỉ hơn Hà 2 tuổi. Hai người lấy nhau trên cơ sở tự nguyện và cũng bởi cái thai mà Hà đang mang trong bụng hơn 4 tháng. Khi về nhà chồng, Hà thấy hoàn toàn yên tâm vì cả hai nhà đều có điều kiện, cô lại được gia đình chồng quý mến nên cô đã không lường trước được những khó khăn mình sẽ gặp phải khi làm vợ, làm mẹ khi còn quá trẻ.
Hà vốn quen được chiều chuộng từ nhỏ. Đi đâu là có người đón rước, về nhà chồng cô vẫn mang nguyên cái lối sống đó theo cùng. Không bao giờ có chuyện cô dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà mà lúc nào bố mẹ chồng cũng phải ngồi đợi cô con dâu ngủ sưng mắt rồi mới dậy để ăn sáng.
Anh chồng cũng vô tâm không kém. Vợ bụng mang dạ chửa, thèm ăn thứ này thứ kia nhưng không bao giờ có chuyện đích thân anh ta đi mua đồ ăn cho Hà. May ra thì cậu nhớ rồi dặn người giúp việc. Nhiều khi thèm ăn thứ này thứ nọ quá Hà đành lóc cóc ra phố một mình.
Có chuyện gì đó khiến nàng tủi thân thì khi ấy, Hưng chồng Hà lại trở thành cái nơi để vợ trút giận. Bà bầu thì mấy ai xinh đẹp được vậy mà Hà suốt ngày ca cẩm với Hưng về việc mang thai làm hỏng dáng đẹp của cô. Nhiều lúc Hưng chết mệt với việc làm đẹp, dưỡng da, mĩ phẩm của vợ.
Bà bầu khó tính lại sẵn tính tiểu thư, Hà đòi hỏi đủ thứ, ra nhiều yêu sách nhưng Hưng cũng chẳng vừa. Cậu cũng là công tử quen được chiều, chỉ nhịn vợ vài thứ còn đâu thì không nghe và rồi lại cãi nhau. Hà cãi không lại thì cô ngồi khóc. Từ đầu là khóc nhỏ, rồi to dần nếu không có ai dỗ.
Bố mẹ chồng cũng không chiều cô mãi được. Mẹ chồng có góp ý thì cô đùng đùng dọn quần áo đòi về nhà bố mẹ đẻ. Thậm chí có lần Hà đã xé giấy đăng kí kết hôn và viết đơn li hôn với Hưng. Thực chất làm vậy cũng chỉ là để dọa chồng và bố mẹ chồng. Hà biết điểm yếu của họ chính là đứa bé trong bụng cô nên cô thích làm vương làm tướng thế nào cũng được.
Sau sinh con, Hà bỏ con cho mẹ mình và mẹ chồng trông còn cô bước vào công cuộc cải tổ sắc đẹp, lấy lại vóc dáng của mình. Vì sợ ngực bị sệ, Hà thậm chí còn không cho con bú mặc cho đứa bé khóc ngặt nghẽo cả ngày và ốm yếu.
Hưng còn nông cạn trong suy nghĩ nhưng lại thương con vô cùng. Thấy vợ vẫn vui đùa như thiếu nữ chưa chồng, không chăm con, không thấy xót con, anh thấy buồn và Hưng biết rất khó để Hà thay đổi bản tính.
Ngay cả thiên chức làm mẹ vốn là tự có của người phụ nữ, cô ấy còn chối bỏ thì làm một người vợ chắc cũng là một điều khó khăn. Hưng làm đơn xin li hôn. Nhưng lần này là thật chứ không phải dọa như những lần trước Hà làm đơn nữa. Rất bình thản, Hà kí đơn. Có lẽ cô coi đó là điều để giải thoát cho mình.
Đôi vợ chồng vụng...
Quang là con trai duy nhất trong gia đình nên luôn được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ. Lớn lên lại bận bịu với công việc, đi làm, công tác... anh không bao giờ chú ý đến những công việc trong nhà. Bố mẹ lúc nào cũng bên cạnh lo lắng, chăm sóc anh từng ly từng tý.
Rồi anh kết hôn, Hương, vợ anh cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả. Vì muốn con chú tâm vào việc học nên bố mẹ Hương thuê người giúp việc về đảm nhận việc vặt trong nhà. Mẹ cô vốn là một người phụ nữ đam mê nấu nướng thế là mọi cơ hội vào bếp của cô đều bị mẹ cô “giành” hết.
Khi lấy Quang, hai vợ chồng được bố mẹ mua cho căn hộ chung cư để sống độc lập. Lúc này những sự cố trong đời sống mới liên tục nổ ra. Quang vụng về và ngại ngần với những việc cần đến sức vóc của người đàn ông trong gia đình, Hương thì lúng túng không biết làm sao “xử lý” được với những mớ nồi niêu xoong chảo và đống thực phẩm trong tủ lạnh.
Cứ hôm nào vào làm cơm là Hương lại làm vỡ bát, nếu không thì cũng loảng xoảng nồi niêu. Mỗi lần như thế Quang lại hốt hoảng chạy vào dọn dẹp cùng vợ và có lúc thốt lên: “Em đúng là tiểu thư thật”. Hương thì ngấm ngầm bực tức nói: “Anh thì khác gì công tử, mỗi cái vòi nước bị hỏng mà không biết sửa”. Thế là hai vợ chồng lại hục hặc nhau.
Không sinh ra trong gia đình khá giả như Quang và Hương, nhưng đôi vợ chồng trẻ Lan và Đức cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đức - 27 tuổi hiền lành, đẹp trai, làm việc trong ngành Bưu chính viễn thông. Anh luôn là niềm tự hào của gia đình. Anh gặp Lan, quê ở Lạng Sơn, không đẹp nhưng chăm chỉ và trí thức, họ là một cặp uyên ương trông thật xứng đôi.
Thế nhưng khi về ở cùng nhau dưới một mái nhà, họ mới nhận ra thực tế của đôi vợ chồng thời đại công nghệ thông tin. Mải mê theo đuổi bằng cấp và học vị nên không chỉ việc nấu bếp mà cả việc khâu lại cúc áo cho chồng Lan cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của mẹ chồng.
Ngược lại, do quen với công việc của bàn phím, máy tính, nên đôi tay Đức trở nên vụng về, đến mức đóng nhầm đinh vào tay khi treo hộ bố Lan một chiếc khung ảnh. Nhìn chồng nhăn nhó ôm lấy bàn tay, Lan không khỏi thở dài: “Nếu biết ở đâu có dạy kĩ năng làm vợ làm chồng chắc là hai người phải đi học một khóa.”
Chất keo gắn kết tình yêu
Những trận cãi vã, dùng dằng giữa đôi bên cứ như cơm bữa. Thấy tình hình ngày càng gay cấn mà chẳng giải quyết được gì, Quang đành nhờ đến sự tỉ tê của mẹ vợ. Không chỉ rỉ tai và bắt con gái rượu phải về nhà sớm sau giờ tan sở để cầm tay chỉ việc, mẹ của Hương còn khéo léo lôi kéo mẹ Quang vào cuộc.
Thế là sau một thời gian chị về nhà mẹ “thực tập”, anh về nhà bố “học hỏi” những mâu thuẫn trong việc nhà dần dần được giải quyết. Tuy đôi lúc cũng có lúc va vấp phải những khó khăn nhưng họ không cãi nhau nữa mà cùng nhau tháo gỡ, chia sẻ.
Còn gia đình Đức và Lan tưởng có nguy cơ đường ai nấy đi. Mỗi khi có chuyện không suôn sẻ Lan thường bỏ về nhà mẹ đẻ mấy ngày. Nhưng với sự bình tĩnh kiên nhẫn, Đức đã lựa lời nói với Lan. Họ đã nhận ra được những sai lầm của mình và cùng nhau chia sẻ khó khăn vốn dĩ đơn giản mà họ không nhận ra.
Với đôi vợ chồng trẻ Hà – Hưng, họ đã dắt nhau ra tòa. Tại Tòa án, trước khi ra quyết định với đôi vợ chồng trẻ, thẩm phán đã phân tích thiệt hơn cho cả hai và sự thiệt thòi của đứa trẻ, nghe những lời chí lý, chí tình của bà thẩm phán cả Hà và Hưng đã im lặng.
Nhìn đứa con trai bé bỏng, Hà đột nhiên khóc òa và ôm chặt lấy thằng bé con, thằng bỏ đi cũng không hiểu điều gì đang xảy ra, thấy mẹ khóc nó cũng ôm chặt lấy mẹ tức tưởi. Phiên tòa dừng lại ở đó, hai bên gia đình nội ngoại mừng mừng, tủi tủi lặng lẽ ra về còn đôi vợ chồng trẻ và đứa nhỏ chẳng ai nói với ai một lời cũng đứng dậy bồng bế nhau ra về...
Người ta vẫn nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nhưng sẽ chẳng có tổ ấm nào được xây lên nếu nó bắt đầu từ một tình yêu chưa chín muồi. Khi những người trong cuộc còn quá trẻ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của hôn nhân và vai trò của mỗi người thì nguy cơ li hôn là rất lớn. Bởi, khi ấy họ mới chỉ ngoài 20.
Tất cả còn quá trẻ và cũng bởi thế những vết sẹo để lại nếu hôn nhân bị tan vỡ sẽ rất khó lành, nó sẽ mãi nhức nhối… Vậy nên, trước mỗi mâu thuẫn dù to, dù nhỏ cũng nên chuyện trò với những người có kinh nghiệm, những người lớn tuổi trong gia đình hoặc đồng nghiệp cơ quan để được chia sẻ, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn là chất keo làm nên hạnh phúc.
Phương Thủy