Vợ chồng người Anh từng mắc Covid-19: Trở lại cảm ơn bác sĩ Việt

GD&TĐ - Sau ba năm, đôi vợ chồng người Anh đã trở lại Bệnh viện nhiệt đới trung ương để cảm ơn và trò chuyện với các y, bác sĩ đã cứu sống mình.

Cuốn sách ông, bà tặng các y, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: BVCC
Cuốn sách ông, bà tặng các y, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: BVCC

“Tôi rất vui, hạnh phúc khi được gặp lại những người đã điều trị cho mình. Bởi, thời điểm đó, chúng tôi không biết họ là ai, trông như thế nào vì đồ bảo hộ và khẩu trang che kín mặt”, bà Shan Coralie Barker tâm sự.

Hồi phục sau cơn nguy kịch

Sau ba năm nhập viện điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 8/3, đôi vợ chồng người Anh - bà Shan và ông Dixong đã quay trở lại Khoa Hồi sức tích cực để cảm ơn và trò chuyện với các y, bác sĩ đã cứu sống mình.

Ông bà là hai trong số những người đi trên chuyến bay VN0054 cùng bệnh nhân số 17. Thời điểm đó, theo số thứ tự phát hiện ca dương tính, bà là bệnh nhân số 24 và ông là bệnh nhân số 28.

Ngày trở lại, ông bà không giấu được sự xúc động, vui mừng vì đã được trò chuyện, ngắm nhìn gương mặt của các bác sĩ. Bởi đó là điều mà ông bà không thể làm khi còn được điều trị. Y bác sĩ lúc đó luôn trong trang phục bảo hộ kín mít, nhưng họ đã tận tụy hằng ngày để cứu sống ông bà cùng các bệnh nhân mắc Covid-19.

Trước đó, ông Dixong John Garth (74 tuổi) cùng vợ - bà Shan Coralie Barker đến Việt Nam du lịch ngày 2/3/2020. Ông bà đi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân số 17. Sau khi đến Hà Nội, vợ chồng ông Dixong đã đi du lịch Hạ Long. Sau ca bệnh số 17, tất cả những người đi cùng chuyến bay VN0054 hôm đó đều được truy vết để xét nghiệm.

Ngày 6/3/2020, bệnh nhân được cách ly theo dõi tại Quảng Ninh. Ngày 13/3/2020, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, cả hai vợ chồng được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Đến ngày 22/3/2020, do tình trạng khó thở tăng, ông Dixong được hỗ trợ thở oxy. Ngày 27/3/2020, bệnh nhân chuyển biến xấu, suy hô hấp nặng, không đáp ứng với thở oxy, phải chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực để đặt nội khí quản và thở máy.

Bà Shan vốn là một điều dưỡng, cũng nhiễm Covid-19 và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng tình trạng nhẹ hơn, được công bố khỏi bệnh từ trước.

Sau quá trình điều trị tích cực, sức khỏe bà Shan Coralie Barker dần hồi phục và có kết quả âm tính. Khi chồng bà chuyển biến xấu, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã nỗ lực hết sức để điều trị. Bởi, ông Dixong John Garth có tiền sử ung thư máu 10 năm.

Là người có kinh nghiệm hơn 40 năm làm y tá tại Anh, khi biết chồng mình được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực, hơn ai hết, bà Shan Coralie Barker biết, như vậy là rất nguy kịch. Thời điểm đó, ông Dixong được điều trị tích cực.

Sau 8 ngày (5/4/2020), ông Dixong có chuyển biến tốt, bỏ được máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ. Ngày 8/4/2020, bệnh nhân tự thở tốt, ngưng được trợ thở oxy.

Ngày 13/4/2020, xét nghiệm âm tính lần 4, toàn trạng ổn định, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. Khuya ngày 13/4/2020, hai ông bà rời Việt Nam trên chuyến bay do Chính phủ Anh tổ chức để đưa các công dân nước này đang ở Việt Nam trở về.

Từng nghĩ mình không qua khỏi

Ba năm sau ngày nhập viện, ông bà đã quay trở lại, cũng trong một chuyến du lịch mới. Ông Dixong cho biết, hai vợ chồng sẽ đi Sa Pa, Đà Nẵng và những địa điểm chưa thực hiện được trong chuyến đi trước.

“Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời. Họ đã cứu sống chúng tôi. Nếu không ở đây, chưa chắc tôi đã sống được. Tôi rất vui, hạnh phúc khi được gặp lại những người đã điều trị cho mình. Bởi, thời điểm đó, chúng tôi không biết họ là ai, trông như thế nào vì đồ bảo hộ và khẩu trang che kín mặt”, bà Shan Coralie Barker chia sẻ.

Nữ y tá người Anh cũng cho biết, thời điểm mắc Covid-19 phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng bệnh của bà cũng rất nặng, ho nhiều, khó thở, viêm phổi... “Nhìn vào gương, tôi không nhận ra mình nữa và đã nghĩ mình sẽ chết”, bà Shan kể.

Trước đó, trong ngày xuất viện, nữ y tá người Anh cũng cho biết, khi mới nhìn thấy chồng, bà từng rất sốc vì ông Dixong không còn tóc. “Tôi đã nói chuyện với bác sĩ để được gặp chồng. Mỗi ngày, anh ấy tiến triển tốt lên đến khi ngừng thở máy. Tôi rất biết ơn nỗ lực của các y, bác sĩ ở đây. Thật tuyệt vời, cận kề sinh tử mà chúng tôi vẫn còn sống. Tôi chỉ muốn nói cảm ơn rất nhiều...”, bà Shan chia sẻ 3 năm trước.

Trong lần đến thăm này, ông, bà đã tặng các y, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực cuốn sách hơn 103 trang với tựa đề “A diverse Nurse, thanks Vietnam” (Người y tá làm tất cả cho bệnh nhân, cảm ơn Việt Nam).

Cuốn sách kể về những trải nghiệm của hai ông bà từ 3 năm trước, trong hành trình đến Việt Nam, nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bà viết: “Cuốn sách này xin được dành tặng cho tất cả những con người đang làm việc chăm chỉ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với tình yêu và lời cảm ơn vì sự quan tâm chăm sóc tuyệt vời của họ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.