4 năm trước, bà Trần Ngọc nhận trông một đứa trẻ tại nhà để có tiền lo cho con trai bị bệnh bại liệt. Thế nhưng không lâu sau, mẹ của bé bị bắt vì thực hiện hành vi buôn bán chất ma túy.
Ách giữa đàng…
Mới hơn 8h sáng, vợ chồng bà Trần Ngọc (58 tuổi, ngụ P.1, Q.6, TP.HCM) đã hì hục chở gần chục bao ốc vít, bu lông… từ xưởng đem về nhà gia công. Bà Ngọc đưa cho PV xem những đầu ngón tay đã chai sần, rạn da sau nhiều năm vặn ốc vít, bu lông.
Mới nhắc đến bé L.N.M.Ng. (SN 2012), bà Ngọc ứa nước mắt: “Nói thật, 4 năm trước, tôi nhận nuôi trông cháu Ng. để có thêm tiền lo thuốc men cho thằng con trai đã hơn 30 tuổi bị bại liệt, câm điếc.
Tôi bắt đầu nhận trông cháu Ng. từ khi hai tháng tuổi. Mẹ của Ng. không biết làm gì mà cả ngày không thấy mặt mũi. Tối đến, cô ấy mới về đón con.
Vài tháng sau, cô ấy để con lại và nhờ tôi trông luôn ban đêm. Rồi tự nhiên, cô ấy đi đâu mất tích, không ai biết ở đâu. Tôi tìm ra nhà bà nội của cháu Ng. thì hay tin mẹ của cháu đã bị công an bắt”.
Bé Ng. rất thích chụp ảnh khi được đi chơi cùng bà ngoại nuôi (ảnh nhân vật cung cấp). |
Thời điểm đó, bà Ngọc định đem Ng. trả cho nhà nội. Nhưng khi thấy ba của Ng. đã đi tù còn bà nội, đang nuôi anh lớn của Ng. thì bà Ngọc đổi ý.
“Tôi gần bé nên rất yêu mến và thương Ng. đành bấm bụng nuôi cháu, tới đâu hay tới đó. Cảnh nhà tôi cũng không khá giả gì.
Con trai của tôi năm nay đã 34 tuổi, bị bại liệt, câm điếc, phải uống thuốc liên tục. Chồng tôi lại già cả, thất nghiệp. Hai vợ chồng chỉ trông chờ vào tiền công gia công ốc vít, bu lông tại nhà. Cứ gia công 100 con thì được trả 2.000 đồng, một ngày hai vợ chồng làm được khoảng 7.000 con. Bao nhiêu đó tiêu vào tiền cơm, tiền thuốc, tiền sữa, tiền học… là hết sạch”, bà Ngọc chia sẻ.
Ông Thái Phục Thành (60 tuổi, ngụ P.1, Q.6, TP.HCM), chồng bà Ngọc góp lời: “Nhà tôi nghèo, con cái bệnh tật, đến cái nhà cũng của người ta cho ở nhờ. Người ta giới thiệu việc giữ trẻ tháng, lương 3 triệu đồng nên mừng lắm.
Tôi đâu ngờ lại thêm một gánh nặng từ trên trời ập đến. Thương cho đứa nhỏ, chắc nó cũng hiểu hoàn cảnh nên dễ ăn, dễ nuôi, chẳng quấy khóc. Khi vợ chồng tôi quyết định nuôi cháu Ng., hàng xóm đến động viên, giúp đỡ, con cái trong nhà cũng không phàn nàn. Cháu Ng. càng lớn càng ngoan ngoãn. Cháu kêu chúng tôi bằng ông bà ngoại. Nghe vậy, tôi cảm động bả cũng thấy vui”.
Bà Ngọc nhớ lại, lúc được 1 tuổi, bé Ng. bị bệnh sốt phát ban. Đứa nhỏ nào mắc bệnh đó cũng quấy khóc. Vậy mà Ng. chẳng khóc một tiếng, mà vẫn ngoan ngoãn uống sữa rồi ngủ thiếp đi. Nhờ vậy, bà mới có thời gian chạy lên chạy xuống chăm sóc đứa con bại liệt.
Đến tuổi Ng. đi nhà trẻ, vợ chồng bà Ngọc phải trích hơn 1,5 triệu đồng/tháng để đóng tiền học. Vậy là, hai vợ chồng già ăn ít lại một chút, bớt mua cái áo cái quần. Tiền dư ra đồng nào, bà Ngọc lo cho bé Ng. và mua thuốc cho con trai.
Cha mẹ về… sẽ cho nhận lại con
Bà Ngọc nhớ, ngày tòa xét xử mẹ của Ng., vợ chồng bà Ngọc ẵm bé đi dự. Mẹ Ng. thấy con là nước mắt giàn giụa. Bà Ngọc nghe tòa tuyên án 15 năm mà thất thần. Đến nay, mẹ Ng. đã chịu án hơn hai năm.
Khoảng thời gian đầu, vợ chồng bà Ngọc khổ sở bởi khó khăn vất vả. Dần dà, tình thương dành cho cháu đã khỏa lấp tất cả. Bà thấy mọi thứ bình yên. Bây giờ, nghĩ đến cảnh trả cháu về gia đình, vợ chồng bà lại rất xót xa và hụt hẫng.
Thế nhưng, từ lâu, vợ chồng bà Ngọc luôn dành thời gian trò chuyện cho Ng. hiểu về gia đình, cha mẹ.
Bà Ngọc bày tỏ: “Chúng tôi không giấu cháu, chuyện gì cũng thủ thỉ để cháu hiểu về hoàn cảnh gia đình. Chúng tôi thường dẫn cháu về thăm bà nội, họ hàng và mẹ cháu ở trại giam. Tôi dẫn cháu lên trại là để mẹ cháu yên tâm mà chấp hành án tù. Và, đó cũng là cách để bé hiểu và thông cảm hơn cho mẹ”.
“Lúc đầu, tôi chỉ nói mẹ cháu đi làm xa. Vậy mà, cháu coi trên truyền hình thấy tù nhân mặc áo sọc thì biết mẹ bị bắt đi tù. Cháu vừa xem vừa khóc.
Những lúc đó, tôi ứa nước mắt nhẹ nhàng giải thích và động viên cháu: “Con ngoan ngoãn, học giỏi, mẹ mới sớm được tha”.
Bữa nào rảnh, tôi lại dẫn cháu sang bà nội để hai anh em cháu chơi cùng nhau. Mấy dì của cháu cũng hay đến thăm, nhưng không ai đem cháu về nuôi. Một phần, hoàn cảnh ai cũng nghèo, phần vì cháu không muốn xa hai vợ chồng tôi.
Vợ chồng tôi đều đã xấp xỉ 60 tuổi, chẳng thể lo cho cháu được chu toàn. Dù yêu thương nhưng chúng tôi vẫn mong cha mẹ cháu sớm mãn hạn tù để nhận con”, bà Ngọc cho biết.
Ngày biết tin mẹ của Ng. bị bắt, bà Ngọc ẵm đứa nhỏ đi liêu xiêu từ đầu ngõ vào. Hàng xóm chạy lại hỏi thăm, bà Ngọc nước mắt ngắn dài kể sự tình. Thương đứa nhỏ, cả xóm đều sẵn lòng giúp đỡ ít gạo, chút đồ ăn, vài hộp sữa, thêm vài bộ đồ em bé…
Cháu ngoại “bất đắc dĩ” của vợ chồng bà Ngọc thành con cháu chung của cả xóm. Ấy vậy, lời ra tiếng vào mà gia đình nhận cũng không ít. Nhiều người cứ bàn tán gia đình bà Ngọc nhận rất nhiều tiền từ mẹ của Ng. Bởi vì, mẹ Ng. buôn bán ma túy, nên trước khi bị bắt đã đưa tiền nhờ bà Ngọc chăm sóc con gái.
Bà Ngọc rất buồn. Bà cho biết: “Tôi còn không biết cô ấy làm gì. Lúc trước, một tháng, tôi nhận 3 triệu đồng tiền công, có tháng còn nhận trễ. Tôi chỉ nghe người ta nói, cô ấy bán rau ngoài chợ Lớn, không hiểu sao lại dính vào chuyện buôn bán ma túy”.
Vợ chồng bà Ngọc bên đống ốc vít, bu lông (ảnh Hà Nguyễn). |
“Lúc đầu, tòa tuyên án 10 năm. Sau đó, tòa phúc thẩm xử tăng lên 15 năm. Tôi đã xác định nuôi bé Ng. cho đến khi mẹ cháu mãn hạn tù. Nhưng không biết, tôi có đủ sức khỏe để nhìn mẹ con cháu đoàn viên không nữa.
Thôi thì, miệng của người ta, nói được cứ nói, việc tôi, tôi làm. Họ đâu ở trong cảnh của mình mà thấu cho hết. Tôi chỉ thấy ấm lòng khi con bé bảo: “Bà ngoại sống lâu để con lớn, con làm có tiền nuôi lại ngoại”, giọng ngọng ngiụ của nó nghe mà đứt ruột”, bà Ngọc kể.
Khi biết mấy bạn trong lớp của Ng. đều được chụp ảnh, mà Ng. không được chụp, bà Ngọc cũng thao thức, dành dụm tiền mua cho cháu bộ đồ Kimono rồi nhờ nhà trường chụp giúp. Bà đem hình về treo trong phòng, ai đến cũng khoe.
Bà đi chợ thấy đĩa nhạc thiếu nhi cũng mua về cho “cháu ngoại” nghe. Nhờ vậy, bé Ng. dạn dĩ, được cô giáo cho đi thi Bé khỏe bé ngoan và đạt giải Bé mặc áo dài đẹp nhất. Bà Ngọc lấy đó làm niềm vui và động viên chồng cố gắng: “Còn sức còn làm lo cho con cháu”.
Nghĩa cử cao đẹp, địa phương ghi nhận và hỗ trợ Ông Phan Văn Được, Tổ trưởng tổ 28 (khu phố 2, P.1, Q.6, TP.HCM) cho biết: “Vợ chồng bà Trần Ngọc đúng là đang nuôi dưỡng cháu L.N.M.Ng. Mẹ cháu đang chấp hành án tù 15 năm về tội Buôn bán ma túy. Nghĩa cử cao đẹp cũa vợ chồng bà Ngọc được bà con, chính quyền địa phương ghi nhận và hỗ trợ. Bé Ng. cũng sắp bước vào lớp 1. Hiện, chúng tôi đang hướng dẫn để ông bà làm đủ thủ tục nhập khẩu, để bé học gần nhà, để ông bà đỡ phải đưa đón xa. Người con trai bị bại liệt của bà Ngọc cũng được nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước”. |