VN sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ

VN sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ
(GD&TĐ) - Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra tại Kiên Giang, ngày 9/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, Việt Nam đã và đang sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các nhà tài trợ đã tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho Việt Nam trong thời điểm hết sức khó khăn của năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. 
Hội nghị này do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt Nam như: WB tại Việt Nam, ADB, các tổ chức của Liên hợp quốc và Đại sứ của một số quốc gia tại Việt Nam đồng tổ chức. Tham dự Hội nghị có các Đại sứ, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, Việt Nam đã và đang sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ.
Về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, Thủ tướng nêu rõ ba mục tiêu chính của năm 2010 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; phấn đấu giữ ở mức khoảng 6,5- 7%; bảo đảm tốt hơn an sinh, phúc lợi xã hội.
Một số ý kiến các nhà tài trợ quan tâm Việt Nam có trở lại mệnh lệnh hành chính trong nhập khẩu. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mọi kiểm soát đều phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam; Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô như: giảm bội chi xuống 6% so với GDP, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối (từ 8 tuần nhập khẩu lên 12 tuần nhập khẩu), điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường để có tỷ giá và lãi xuất phù hợp, kiểm soát nhập siêu dưới 20%, tăng cường cung cấp thông tin minh bạch về hệ thống ngân hàng và định chế tài chính...
Về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của Việt Nam là đến năm 2020 phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, với GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000-3.200USD.
Việt Nam sẽ thực hiện 5 quan điểm lớn đó là: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng....
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu bên lề Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu bên lề Hội nghị.
Trong chương trình nghị sự, các đại biểu đã nghe báo cáo từ phía Việt Nam trình bày về đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và các ưu tiên chính sách cho năm 2010, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.
Các nhà tài trợ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong vượt qua khủng hoảng kinh tế một cách thành công, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát cao trở lại và đảm bảo an sinh xã hội.
Nổi bật là t rong 5 tháng đầu năm 2010, kinh tế Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực: các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; thu ngân sách đạt cao so với cùng kỳ năm trước; giải ngân các nguồn vốn đầu tư có nhiều tiến bộ; xuất khẩu tiếp tục tăng lên; lạm phát được kiềm chế theo hướng tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm trước; thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng... Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu và khu vực.
Các nhà tài trợ đề xuất kế hoạch phát triển trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng ưu tiên phát triển con người và xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển.
Các bộ, ngành chức năng của Việt Nam đã giải đáp câu hỏi của các nhà tài trợ liên quan tới sức ép của thị trường bất động sản, chính sách giá theo cơ chế thị trường, số liệu thống kê, công khai cán cân thanh toán, nợ quốc gia, điều hành tỷ giá, chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, điều kiện cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phòng chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu vùng xa, quản lý và giám sát tài chính các doanh nghiệp nhà nước.
Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ