Virus LLOV có nguy cơ gây bùng phát dịch

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu tại Trường Dược Medway (hợp tác giữa các trường đại học Kent và Greenwich) đã phân lập virus Lloviu (LLOV) - một họ hàng gần của virus Ebola.

 Filovirus LLOV được xác định thông qua vật liệu di truyền (RNA) vào năm 2002 ở dơi Schreiber tại Tây Ban Nha.
Filovirus LLOV được xác định thông qua vật liệu di truyền (RNA) vào năm 2002 ở dơi Schreiber tại Tây Ban Nha.

Các nhà khoa học nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu trong tương lai để bảo đảm khả năng phòng chống đại dịch.

LLOV là một phần của họ filovirus - bao gồm Ebola. Trong khi Ebola (và các virus filovirus khác bao gồm cả virus Marburg gây bệnh tương tự) chỉ xuất hiện ở châu Phi, thì Lloviu đã được phát hiện ở châu Âu. Filovirus LLOV, được xác định thông qua vật liệu di truyền của nó (RNA) vào năm 2002 ở dơi Schreiber tại Tây Ban Nha. Virus này sau đó tiếp tục được phát hiện ở dơi tại Hungary.

Là một loại virus lây truyền từ động vật sang động vật và con người, LLOV được coi là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Bởi, con người có mối quan hệ chặt chẽ với động vật trong nông nghiệp, cũng như môi trường tự nhiên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bệnh truyền nhiễm từ động vật chiếm một tỷ lệ lớn trong số tất cả các bệnh truyền nhiễm mới được xác định, cũng như nhiều bệnh hiện có.

Tiến sĩ Simon Scott và Tiến sĩ Nigel Temperton từ Đơn vị virus Pseudotye (VPU) tại Trường Dược Medway - thành viên của nhóm do Tiến sĩ Gábor Kemenesi từ Đại học Pécs / Phòng thí nghiệm quốc gia về virus ở Hungary đã dẫn đầu nghiên cứu.

Các nhà khoa học đã phát hiện kháng thể bằng cách sử dụng huyết thanh dơi như một phần của nghiên cứu, ngay cả trước khi virus được phân lập. Sự phân lập này xảy ra trong phòng thí nghiệm Hungary từ chính con dơi cuối cùng dương tính với LLOV.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu phát hiện, Lloviu có khả năng lây nhiễm sang các tế bào của con người và cũng có thể tái tạo. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng lây lan rộng rãi ở châu Âu. Đồng thời, thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng gây bệnh và kháng virus.

Nghiên cứu của VPU cũng cho thấy, không có phản ứng kháng thể chéo giữa LLOV và Ebola. Điều đó chứng tỏ rằng, vắc-xin Ebola hiện tại có thể không bảo vệ con người chống lại Lloviu, nếu virus này lây sang người.

“Điều quan trọng là chúng ta phải biết nhiều hơn về sự phân bố của loại virus này. Nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này để đánh giá các rủi ro và đảm bảo chúng ta chuẩn bị cho các vụ dịch và đại dịch tiềm tàng”, Tiến sĩ Scott nhấn mạnh.

Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận định, có một lỗ hổng kiến thức đáng kể liên quan đến khả năng gây bệnh, vật chủ và khả năng lây truyền của những loại virus mới. Nhóm đang hướng tới việc thực hiện các nghiên cứu sâu hơn trên khắp châu Âu về nguy cơ của virus Lloviu đối với con người.

Theo MedicalXpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ