Vĩnh Phúc điều tra dư luận xã hội về phân luồng sau THCS và thi vào lớp 10

GD&TĐ - Cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin, đánh giá các vấn đề liên quan đến công tác phân luồng học sinh sau THCS và thi tuyển sinh vào lớp 10.

Vĩnh Phúc điều tra dư luận xã hội về phân luồng học sinh sau THCS và thi tuyển sinh vào lớp 10.
Vĩnh Phúc điều tra dư luận xã hội về phân luồng học sinh sau THCS và thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ngày 19/10, thông tin từ Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch điều tra dư luận xã hội về công tác phân luồng học sinh sau THCS và xung quanh kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, nhằm thu thập thông tin, đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện về các vấn đề liên quan đến các công tác này.

Nội dung điều tra, thăm dò dư luận, lấy ý kiến tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất, thu thập thông tin, đánh giá về thực tế công tác phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh, gồm: đánh giá thực tế việc định hướng nghề nghiệp sau THCS; đánh giá về công tác phân luồng vào các trường THPT, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Phân tích mức độ phù hợp của công tác phân luồng với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh và phụ huynh; về các chương trình học nghề sau THCS hiện tại đã đủ hấp dẫn và chất lượng chưa; hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện tại đủ tốt để thu hút học sinh chưa...

Thứ hai, thu thập thông tin, đánh giá về thực tế công tác thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 của tỉnh, đặc biệt đây là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018): Theo dự kiến, kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra với 3 môn, gồm Toán và Ngữ văn, cùng môn thứ 3 - nằm trong những môn được đánh giá bằng điểm số (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học).

Thứ ba, thu thập ý kiến, phân tích nhu cầu và mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các bậc phụ huynh và học sinh trong diện phân luồng sau THCS và thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 về mức độ (tỷ lệ), hiệu quả của việc phân luồng học sinh sau THCS, về cách thức tổ chức, mong muốn, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh về kỳ thi vào lớp 10 THPT...

Đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên, nhân dân (tập trung học sinh, phụ huynh của học sinh lớp 9 các trường THCS công lập trên địa bàn tỉnh, giáo viên THCS và THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; cán bộ quản lý giáo dục; các trường nghề, trung cấp...) đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc chủ trì, trực tiếp thực hiện khảo sát bằng phiếu hỏi tự điền thông qua các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc 9 huyện, thành phố; một số sở, ban, ngành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; một số đơn vị, nhà trường (THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trường nghề, trung cấp...).

Số lượng phiếu điều tra dự kiến phát ra là 1.500 phiếu. Thời gian thực hiện từ tháng 10-11/2024.

Kết quả thu được, cơ quan chủ trì sẽ xây dựng báo cáo kết quả điều tra; tham mưu, đề xuất cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhằm điều chỉnh, đổi mới chính sách giáo dục địa phương, giảm áp lực thi cử và nâng cao chất lượng tuyển sinh, giúp học sinh có nhiều cơ hội phát triển trong học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.