Vĩnh Long: Giáo dục có chất lượng "thấm" tới vùng sâu

Vĩnh Long: Giáo dục có chất lượng "thấm" tới vùng sâu
Toàn tỉnh Vĩnh Long có 245 trường Tiểu học và hơn phân nửa nằm ở vùng nông thôn, vùng sâu. Với địa hình sông rạch chằng chịt, giao thông đường bộ chưa thuận lợi nên các trường Tiểu học vùng sâu vẫn chưa đáp ứng giáo dục có chất lượng cho trẻ em. Xuất phát từ thực tế đó, ông Trần Hoàng Túy (trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Vĩnh Long) đã xây dựng chuỗi  đề án đưa giáo dục chất lượng đến trẻ vùng sâu. Thực tế triển khai rất hiệu quả.
GV Vĩnh Long làm đồ dùng dạy học
GV Vĩnh Long làm đồ dùng dạy học
Khởi đầu, năm 2005, dự án “Nâng cao năng lực học tập qua đọc sách thư viện cho học sinh vùng sâu, vùng lũ” khi dự thi Ngày Sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng thế giới phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức và đã đoạt giải cao.  Một năm triển khai thư viện xanh, thư viện lớp cho 24 trường đã tạo ra một cách làm mới, một khung cảnh mới và một chất lượng có chiều hướng phát triển. Dự án giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) đã đánh giá cao kết quả của dự án này. Có thể nói, từ chỗ chưa có gì, các trường vùng sâu trong dự án đã đầy đủ thư viện xanh, thư viện lớp để các em có sách để đọc và các em được đọc sách.

Năm 2007, nhà giáo Trần Hoàng Tuý tiếp tục xây dựng Dự án “Nâng cao mức độ thụ hưởng giáo dục có chất lượng cho các trường Tiểu học vùng sâu”. Dự án khi dự thi  được trao giải thưởng trị giá 10.000 USD để triển khai ở 24 trường vùng sâu trong tỉnh. Những hình ảnh, hoạt động sau một năm thực hiện như múa hát sân trường, trò chơi dân gian, ngày hội an toàn giao thông, ngày hội sức khoẻ, câu lạc bộ khám phá, xây dựng thư viện xanh, hoàn chỉnh nhà vệ sinh, học cách phân loại rác, …đều được học sinh tích cực tham gia cũng như thụ hưởng.

Đối với giáo viên, dự án đã triển khai kĩ thuật duy trì tích cực trong suốt tiết học và dạy học đáp ứng phản hồi tức thời cũng như tự làm đồ dùng dạy học phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy. Các trường Tiểu học Tân Mỹ B (Trà Ôn), Tân An Hội B (Mang Thít), Quới Thiện B (Vũng Liêm), Tân Hưng (Bình Tân), Lộc Hoà C (Lông Hồ), Loan Mỹ B (Tam Bình),….  được các Phòng Giáo dục- Đào tạo, phụ huynh học sinh và chính quyền đánh giá rất cao. Quan trọng nhất vẫn là hơn 8.000 học sinh của 24  trường đều tự tin khi phát biểu, biết đặt câu hỏi cho nhau, làm việc nhóm, luôn có không gian để giao lưu, giao tiếp qua nhiều hoạt động trong lớp học lẫn ngoài trời.

Không những trong 24 trường trong dự án đã tạo ra một môi trường mới mà còn có hơn 200 trường còn lại cũng làm theo. Phòng Tiểu học Sở Giáo dục- Đào tạo đã nhân điển hình ứng dụng những ý tưởng, kinh nghiệm của dự án để thu ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng nông thôn với vùng thành thị.

Hai năm 2 dự án đoạt giải dự án Sáng kiến giáo dục, đã tạo ra một chất xúc tác về sáng tạo, sáng kiến cho cán bộ, giáo viên cũng như chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho một ý tưởng mới trong chỉ đạo từ điểm ra diện. Bộ Giáo dục- Đào tạo đã đánh giá cao các dự án mang lại nhiều lợi ích cho vùng sâu và Phòng Tiểu học Vĩnh Long cũng đón nhận những đánh giá này. Những hình ảnh về giáo dục có chất lượng cho các trường vùng sâu mà dự án đã thực hiện sẽ được trình chiếu trên VTV1, THVL cũng như báo cáo điển hình, chia sẻ tại cuộc tổng kết dự án PEDC của Bộ Giáo dục- Đào tạo.

Đầu năm học 2008-2009, khi Bộ Giáo dục- Đào tạo triển khai phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, hầu như các trường Tiểu học ở Vĩnh Long đã sẵn sàng nhập cuộc sớm nhất. Những hoạt động, những phong trào, những nội dung của 9 tiêu chí như lớp học thông minh, giao tiếp thân thiện, kĩ năng mai sau ,….đã đáp ứng phần lớn của 5 nội dung do Bộ Giáo dục- Đào tạo quy định. Ý tưởng của dự án đã và đang phục vụ rất tốt, rất hiệu quả cho phong trào thi đua này.
Sáng kiến giáo dục, ý tưởng sáng tạo đang dần tiến bước và vì trẻ em thiệt thòi của Vĩnh Long hé lộ một cách làm hiệu quả, đã, đang và sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho trẻ em vùng sâu: giáo dục có chất lượng.
Minh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ