Vinh dự gắn liền với trách nhiệm

Vinh dự gắn liền với trách nhiệm
Thầy, cô vùng cao vẫn luôn nỗ lực vượt khó để đem đến tri thức cho các thế hệ học trò
Thầy, cô vùng cao vẫn luôn nỗ lực vượt khó để đem đến tri thức cho các thế hệ học trò
 

(GD&TĐ) - Trên những đỉnh núi cao, trong các bản làng heo hút, ở đó điện, đường có thể chưa có nhưng điểm trường vẫn mọc lên. Các thầy cô giáo vùng cao vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cắm bản, đem cái chữ đến cho học sinh dân tộc. Ở đồng bằng hay đô thị, các thầy cô cũng không ngừng phấn đấu, trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức… Những nỗ lực của thầy cô trong hành trình dạy học của mình đều được học sinh, ngành GD và xã hội ghi nhận, tôn vinh.

Người mẹ, người thầy và người bạn của học sinh

Giáo viên mầm non là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Đây chính là người mẹ thứ hai, người chăm sóc và dạy thế hệ trẻ phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Nhờ sự yêu thương, công bằng trong giáo dục, trẻ mầm non đã có hiểu biết về thẩm mỹ, hình thành thói quen, hành vi văn minh, kỹ năng vệ sinh.

Rất nhiều giáo viên mầm non đã vận dụng kiến thức, sự khéo léo của đôi bàn tay tạo ra vật dụng, đồ dùng đồ chơi từ vật liệu có sẵn, giúp cho học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, trẻ mạnh dạn, tự tin và hào hứng khi được học - chơi với đồ do chính mình làm ra. 

Trong số giáo viên mầm non được ngành GD tuyên dương năm nay, có thể kể đến thầy giáo Hoàng Văn Thể, giáo viên Trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua mọi khó khăn, dị nghị, phân vân của phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và của vợ mình để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thầy giáo mầm non. 

Cô giáo Vàng Thị Gếnh, giáo viên Trường Mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, người dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dạy trẻ lớp 5 tuổi xa trung tâm, nơi có 100% hộ nghèo, nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi cách để vận động 100% trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và giảng dạy đảm bảo chất lượng.     

Các thầy giáo, cô giáo ở các trường tiểu học, THCS, PTCS đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, bám lớp ở các buôn làng, bản làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, miền núi vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư là đồng bào dân tộc, hộ nghèo để duy trì sĩ số học sinh, giáo dục hòa nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị và giáo dục nhân cách cho học sinh.

Tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Huê, ở Kiên Giang, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Phúc giáp với Camphuchia, là một trường biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần thương yêu học sinh, bám trường, bám lớp giúp đỡ các em học sinh yếu, gia đình khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Nhiều thầy, cô giáo đã dành tất cả tâm huyết, thời gian cho việc dạy học, giáo dục học sinh, như cô giáo Đinh Thị Thu Minh, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; cô giáo Nguyễn Thị Thuý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thầy giáo Lê Đình Diệp, giáo viên Trường THPT Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi… 

Đặc biệt, các thế hệ nhà giáo ở các Trường THPT chuyên đã có thành tích xuất sắc trong công tác phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ học sinh có năng khiếu, học sinh giỏi cho các địa phương và cho ngành. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã dành trọn đời cho sự nghiệp này, như cô giáo Lê Thị Việt Hồng, giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Hùng Vương - Gia Lai, thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, giáo viên Toán Trường THPT chuyên Bắc Giang.

Các thầy cô giáo trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc, trung tâm giáo dục thường xuyên đã nỗ lực phấn đấu về mọi mặt để thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người. 

Giảng viên ở các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Các nhà khoa học, giảng viên thực sự gương mẫu đi đầu trong việc kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, biên tập, biên dịch, cập nhật kiến thức tiên tiến, hiện đại, viết các giáo trình giảng dạy và tham khảo; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. 

Tập đánh vần Tiếng Việt tại Trường TH Lũng Cú (Hà Giang)
Tập đánh vần Tiếng Việt tại Trường TH Lũng Cú (Hà Giang)
 

Nỗ lực hơn nữa

Ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, để chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong thời gian tới. 

Việc đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi Nghị quyết là vinh dự và trách nhiệm to lớn của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì và thực hiện lâu dài, ở các cấp độ khác nhau. Trước mắt, đội ngũ nhà giáo cần nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết. 

Mỗi một đơn vị, trường học, cán bộ, nhà giáo nhận thức được những thành tựu đã đạt được, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc những hạn chế, yêu kém của ngành, của đơn vị và của mỗi cá nhân, nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, yếu kém, từ đó đề xuất, sáng tạo tìm ra những giải pháp cụ thể khả thi, cách làm hay để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, phấn đấu tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo, đồng thời tập trung khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội.   

Các thầy giáo, cô giáo chủ động nghiên cứu đề xuất, hiến kế những cách làm hay để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho giáo dục, đào tạo phát triển hài hoà, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục ở các vùng, miền.

Trong đó, cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, các đối tượng diện chính sách và các em học sinh khuyết tật; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập và học tập suốt đời như Bác Hồ hằng mong muốn “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Xuân Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ