Sự ấm áp ấy tôi cũng đã gặp trong những trang văn của bà. Những con chữ mà bà đã bền bỉ gieo xuống khu vườn văn học cho thiếu nhi trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bén duyên văn chương khi là sinh viên
Nhà văn Lê Phương Liên hiện sống trong khu Royal City - một khu đô thị hiện đại và rất đông dân cư của Hà Nội, nằm cách Hồ Gươm chừng 7 km. Bước vào không gian sống của bà, những đồ vật thân quen, giản dị khiến nhiều người có cảm giác như đang lạc vào không gian thân quen của ông bà, cha mẹ ta ở một khu tập thể cũ kỹ nào đó.
Như đoán được suy nghĩ của tôi, bà bảo, cách đây gần chục năm, bà chuyển về sinh sống ở đây. Một khu chung cư hiện đại, an ninh “mấy lớp”, nhưng bà vẫn quyết định mang theo những đồ vật cũ từ căn nhà cũ. Đó là bộ bàn ghế cũ, chiếc bàn cũ, giá sách cũ… Bà không lỡ bỏ đi vì nó là những đồ vật đã gắn bó với bà, và qua những đồ vật ấy, bà thấy lại cả những kỷ niệm của mình.
Tôi gặp lại trên giá sách cũ trong căn hộ chung cư đượm màu thời gian bản in đầu tiên của cuốn sách thiếu nhi đầu tay của nhà văn Lê Phương Liên. Đó là cuốn “Những tia nắng đầu tiên”, xuất bản lần đầu năm 1971.
Nhà văn Lê Phương Liên kể rằng, bà sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội năm 1951. Thuở bé, cô bé Liên mê văn học và từng đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc thời trung học, nhưng phải đến khi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thì mới thực sự “bén duyên” với văn chương.
Bà kể: Cách đây 50 năm tôi là một giáo sinh sư phạm. Vốn là con một cô giáo dạy tiểu học, tôi đã được sống trong bầu không khí nhà trường, cô giáo, học trò… từ thuở còn thơ. Tôi có người anh họ là anh Tô Đăng Hải (tức nhà văn Tô Hải Vân). Năm 1968, khi đang là sinh viên anh đã viết văn và khích lệ tôi sáng tác.
Thế là tôi tập viết những chuyện học trò đưa cho anh đọc. Anh khuyên tôi nên gửi bản thảo đến NXB Kim Đồng. Một ngày hè năm 1969, anh cùng đi với tôi tới nhà xuất bản để gửi gắm những trang viết rất ngây thơ.
Sau một thời gian, bà Trần Thị Nhâm - biên tập viên của NXB Kim Đồng - báo tin bản thảo của tôi sẽ được in. Không thể tả nổi niềm vui của tôi lúc đó. Dù đang bận học năm thứ hai Sư phạm Toán Lý, theo gợi ý của NXB Kim Đồng, tôi đã viết đề cương truyện vừa “Những tia nắng đầu tiên”.
Ngừng một lát, bà kể tiếp: Mùa hè năm 1970, khi tôi được nghỉ hè, NXB Kim Đồng giới thiệu tôi đi dự Trại sáng tác Bộ Giáo dục (ở xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Tây cũ). Tại đây, tôi viết xong bản thảo cuốn “Những tia nắng đầu tiên”.
Sau đó, tôi viết thêm truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” tham gia cuộc thi viết về Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa. Tôi viết truyện ngắn trong một ngày.
Dạo ấy ở Hà Nội những người trẻ mới bắt đầu viết thường tranh luận: “Nên viết như thế nào? Theo cách nào?”. Mùa hè năm 1970 ấy, từ Trại sáng tác trở về, gặp anh Tô Hải Vân, tôi đã vui vẻ nói: “Em sẽ viết theo tâm lý trẻ thơ vừa có khoa học vừa có con người!”.
Đó chính là tâm trạng của tôi khi viết truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ”. Sau đó, tôi càng vui hơn khi truyện ngắn này được giải. Giải thưởng đầu tiên này đã giúp tôi tự tin hơn với lẽ sống của mình để tiếp tục con đường rất dài và rất xa về sau.
Tuy là truyện viết sau nhưng “Câu hỏi trẻ thơ” là tác phẩm đầu tiên của Lê Phương Liên được công bố trên báo Người giáo viên nhân dân (năm 1970). Cũng từ đó Lê Phương Liên trở thành cộng tác viên của NXB Kim Đồng.
Thế nhưng, khi tốt nghiệp khoa Toán - Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Lê Phương Liên được phân công về Trường cấp II Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, nay là phường Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Chính trong thời gian đứng trên bục giảng này, tình yêu với văn chương đã mạnh hơn, khiến cô giáo trẻ Lê Phương Liên chia tay ngành Giáo dục sau 9 năm gắn bó. Chọn NXB Kim Đồng là mảnh đất lành, Lê Phương Liên vừa làm công việc chuyên môn là tổ chức bản thảo, biên tập, vừa tranh thủ viết văn, viết sách.
Niềm vui, nỗi buồn đều lấp lánh
Trong khu vườn văn học cho thiếu nhi, Lê Phương Liên là một người nối tiếp những “cây cổ thụ” như Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phong Thu… Những cuốn sách viết cho thiếu nhi của bà như “Những tia nắng đầu tiên” (1971), “Khi mùa xuân đến” (1973), “Hoa dại” (1995), “Cuộc phiêu lưu của chú Rối Tễu” (2009); hay 2 cuốn tiểu thuyết “Khúc hát hạnh phúc” (2002) và “Ký ức ánh sáng” (2012)... có thể ví như những hạt mầm, gieo những ước mơ, khát vọng cho thiếu nhi.
Đọc sách của bà, những câu chuyện giản dị nhưng niềm vui và nỗi buồn cũng đều lấp lánh.
Tôi còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, nhà văn Lê Phương Liên có gửi tặng cuốn “Câu hỏi trẻ thơ” do NXB Kim Đồng ấn hành. Cuốn sách tuyển chọn 50 tác phẩm kỷ niệm 50 năm cầm bút của bà.
Trong đó, bà chọn 25 truyện ngắn và 25 tản văn. Có tác phẩm bà mới viết như “Mùa xuân Corona”, còn lại là những tác phẩm được giải thưởng trong các cuộc thi, từng được in trên báo và trong các tuyển tập sách đã xuất bản của tác giả.
Những truyện ngắn, tản văn trong cuốn sách viết về nhiều chủ đề khác nhau, được sáng tác ở nhiều thời điểm, bối cảnh khác nhau. Từ những truyện viết về đề tài mái trường từ chính trải nghiệm của tác giả, đến những truyện đồng thoại nhỏ xinh, những trang văn đẹp đẽ, trong trẻo dành cho lứa tuổi nhi đồng.
Tác giả cũng dành nhiều trang viết về các vùng đất mà tác giả có cơ hội đặt chân tới. Bà lựa chọn tên truyện đầu tay “Câu hỏi trẻ thơ” để đặt tên cho tập sách, như một kỷ niệm khó quên trong đời cầm bút.
Không chỉ viết truyện ngắn cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên còn viết tản văn, truyện lịch sử cho các em. Những cuốn sách về Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Bùi Thị Xuân, Quang Trung… trong bộ sách Truyện tranh lịch sử Việt Nam được tái bản nhiều lần đã góp phần hun đúc tình yêu sử Việt cho nhiều thế hệ thiếu nhi.
Nữ nhà văn bộc bạch: “Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, lẽ sống của tôi là tình yêu thương con người, nhất là những người bé bỏng như trẻ em”. Chính bởi thế mà suốt những năm tháng cầm bút bà miệt mài vun đắp yêu thương trẻ em qua những trang viết trong trẻo, hồn hậu và ấm áp.
Nhà văn cho rằng, để viết được cho trẻ em không phải gặp khó ở nghệ thuật và chính là sự khó từ tâm can, từ tình cảm, từ sự rung động chân thật của người viết.
Nói cách khác, nó phải khởi xuất từ trái tim của mỗi người cầm bút. Và chính nhờ điều đó, người viết mới có thể tạo cho mình một sức bền của bút lực nếu có ý định sống suốt đời vì sự nghiệp văn học thiếu nhi.
Vẫn tràn trề nhiệt huyết
Đã nghỉ hưu, nhưng nhà văn Lê Phương Liên vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa, đặc biệt là các sự kiện có liên quan đến thiếu nhi. Bà đi nói chuyện ở trường này, bà đi tọa đàm ở trường khác.
Rồi lại thấy bà tham gia làm giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU hay ngồi chấm chọn một giải thưởng văn chương cho thiếu nhi… Tất cả, đều vì một mong muốn vun đắp cho trẻ thơ những điều tốt đẹp nhất. Đặc biệt, bà mong các em sẽ đến gần hơn với sách…
Đầu năm nay, ở tuổi 70, nhà văn Lê Phương Liên gây bất ngờ với bạn đọc, bạn viết khi bà ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi”. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà. Và có lẽ, đây cũng là tác phẩm công phu nhất mà bà hướng tới đối tượng độc giả đã trưởng thành.
Kể về cơn cớ viết cuốn sách này, nhà văn Lê Phương Liên bảo, “hết sức tình cờ”. Bà còn nhớ, đó là vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất (năm 2008). Đi dự Ngày Thơ Việt Nam, trên sân Thái Học, bà tình cờ gặp lại một người ở làng Phú Xá (nay là Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Chuyện trò một chút, người này muốn mời bà về dự hội làng Phú Xá, viếng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Chuyện thêm một chút nữa, người này bảo, thực sự muốn bà viết một cuốn sách về bà Đoàn Thị Điểm… Từ nguồn cơn ấy, rồi chuyện nọ dắt chuyện kia, hình như có một sự định đặt nào đó, cuối cùng nhà văn Lê Phương Liên đã hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết dã sử gồm 5 chương (“Con nuôi quan thượng thư”, “Tùng tàn, trúc gãy, chỉ còn mai xanh”, “Duyên phận kỳ nữ”, “Phu nhân Nguyễn Kiều”, “Thi nhân trong mưa biển”), dày gần 300 trang - tác phẩm được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về cuộc đời của một nữ trí thức thời phong kiến ở Việt Nam.
Chính nhà văn Lê Phương Liên cũng bảo, trước đó, ngay cả lúc còn sung sức, bà chưa từng nghĩ mình sẽ viết tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - bậc “nữ nhân kỳ tài” đặc biệt trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam.
Thế nhưng, khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà lại cảm thấy “hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.