Độc lực của virus đã tăng
Sáng 27/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, virus SARS-COV-2 ở các bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới xuất hiện tại Việt Nam, có khả năng lây lan nhanh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.
Cũng tại cuộc họp, kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở y tế: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch có thể bắt đầu ở Đà Nẵng từ đầu tháng 7. Đến nay, địa phương này đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm mới.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), việc xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng là điều "khó tránh khỏi". Lý do là bởi, chúng ta rất khó để kiểm soát được những người lọt từ ngoại lai và vì vậy, dịch bệnh hoàn toàn dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam.
Chia sẻ về ca bệnh 416 và 418 tại Đà Nẵng, bác sĩ Khanh nhận định, nguồn lây của hai người này có thể mới xuất hiện gần đây. Bệnh nhân có thể đã tiếp xúc với 1 - 2 người mang mầm bệnh, sau 5 - 6 ngày thì phát bệnh.
"Nhiều bệnh viện vẫn thực hiện xét nghiệm Covid-19 với những người mắc viêm phổi, bệnh hô hấp nhưng không ghi nhận ca dương tính. Vì vậy nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng chưa thể tồn tại lâu trong cộng đồng", chuyên gia cho hay.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, không thể nói rằng, virus SARS-COV-2 đã tồn tại lâu tại Việt Nam từ sau khi không có ca mắc trong cộng đồng. Theo bác sĩ này, nếu tiếp tục phát hiện sớm các ca bệnh và khoanh vùng, chắc chắn Việt Nam sẽ chiến thắng. Ngoài ra, người dân được khuyến cáo không nên hoảng loạn. Tuy nhiên, mọi người cần đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng.
"Bài toán khó" với vắc xin Covid-19
Sáng 25/7, Bộ Y tế ghi nhận ca mắc Covid-19 số 416, chấm dứt 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng. Theo điều tra dịch tễ, một tháng qua, cả BN416 và 418 đều không ra khỏi thành phố Đà Nẵng. Họ đã đến một số bệnh viện, phòng khám trước khi được ghi nhận nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên có hướng đi mới trong phòng, chống Covid-19.
"Cách tốt nhất là "làm cong tốc độ" lây nhiễm của virus, chờ thời gian đủ cho chính phủ thực hiện kế hoạch vắc-xin, đảm bảo hơn 90 triệu liều tiêm cho cộng đồng tạo miễn dịch chủ động".
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, việc tạo ra vắc-xin ở hiện tại là một "bài toán khó". Trong khi đó, phương pháp từng giúp Việt Nam chiến thắng nhiều dịch bệnh là thúc đẩy công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách li.
"Theo dự đoán của tôi, dịch sẽ đạt đỉnh vào dịp Đông - Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021. Vì vậy, Việt Nam phải uyển chuyển trong việc mở cửa kinh tế với thế giới, hoạt động kinh tế trong nước phải diễn ra ở trạng thái bình thường mới. Trong trường hợp này, những quả bom nhiệt hạch sẽ phả sức nóng vào Việt Nam, chắc chắn biện pháp phòng dịch bằng phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách li vẫn rất quan trọng, nhưng cần phải có sự thay đổi đáng kể về kĩ thuật", bác sĩ Phúc nhận định.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Việt Nam phải chủ động phát hiện Covid-19 bằng cách xét nghiệm trên diện rộng, thậm chí là xét nghiệm cộng đồng, với 2 phương pháp đồng bộ gồm xét nghiệm nhanh và PCR.
"Xét nghiệm, xét nghiệm, và xét nghiệm. Đó là bài học thành công của Hàn Quốc đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả, thay vì rình rập ca bệnh và đuổi theo truy vết. Nếu xét nghiệm theo phương pháp gộp nhóm, tôi tin cả Đà Nẵng không mất thời gian đến 1 tuần để có kết quả chính xác. Đây là cơ sở giúp Đà Nẵng khống chế dịch nhanh chóng và hiệu quả", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Ca bệnh mới diễn tiến nặng
Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hiện bệnh nhân 418 và bệnh nhân 416 có tiên lượng rất nặng. Cụ thể, BN416 khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục trong thời gian dài. Các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát. Hiện, bệnh nhân còn sốt 37 - 38 độ C, được dùng thuốc an thần, thuốc vận mạch, kháng sinh, kháng virus, nâng cao miễn dịch, ăn qua sonde, phổi thông khí tạm… Đến nay, BN416 là trường hợp mắc Covid-19 thứ ba tại Việt Nam phải can thiệp ECMO, sau BN 19 và BN 91 - phi công người Anh.
Trong khi đó, BN418 hiện còn sốt nhẹ, đang thở máy, được nuôi ăn qua sonde. Các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát. Khả năng bệnh nhân sẽ còn tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục trong thời gian dài. Bệnh nhân này bị viêm đường hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp. Trước đó, ngày 21/7, bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm, trên nền bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp.