Theo ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL tại Việt Nam, việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh.
“Hiện tại, thách thức lớn nhất đối với chúng ta khi áp dụng điều luật này tại Việt Nam là có thể xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản (BĐS).
Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch các BĐS trên thị trường.
Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua BĐS ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Tóm lại, kiến nghị ban đầu này khá ổn, tuy nhiên để hiện thực hóa điều này sẽ còn cần nhiều bước” - Ông Stephen Wyatt nói.
Dẫn chứng thêm về nhiều trường hợp điển hình trên thế giới đã đánh thuế lên người mua BĐS thứ hai trở lên, vị Tổng giám đốc lựa chọn Singapore là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Khi mua BĐS ở nước này, người mua sẽ phải trả 3%. Tuy nhiên khi mua từ BĐS thứ hai trở đi, thì có một chút khác biệt là người Singapore sẽ phải trả thuế thêm là 7%.
Do đó, người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ hai này. Nếu người mua là người nước ngoài thì họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ hai. Vì vậy, nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên đáng kể và phụ thuộc vào từng nhóm người mua.
Một ví dụ khác, ở Anh, năm ngoái nước này đã thông qua việc đánh thuế vào người mua BĐS, nếu mua BĐS thứ nhất sẽ phải trả một mức thuế cơ bản và cộng thêm 3%.
Mức thuế sẽ dựa trên giá trị của ngôi nhà đó, tuy nhiên việc xác định giá trị nhà khá phức tạp. Mức đánh thuế sẽ khác nhau tùy theo giá trị tài sản.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải nghiên cứu khá kỹ lưỡng về vấn đề này. Chúng ta có thể tham khảo theo mô hình của Singapore, bằng mức thuế cơ bản hiện hành và mức thuế tăng thêm dựa trên mức thuế hiện hành.
Hoặc như Anh, đối với những BĐS dưới 250.000 USD thì không cần phải đóng thuế, còn trên 250.000USD – 500.000USD thì áp dụng mức thuế khác nhau. Nhìn chung có rất nhiều phương án cho điều luật này.
Còn đối với Việt Nam, có thể áp dụng một mức thuế ngang nhau tương tự như trường hợp thứ nhất là 3%”, ông Stephen Wyatt bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, theo ông, cần phải có sự tham gia của các cấp chính quyền và các sở ban ngành liên quan, cũng như các công ty nghiên cứu thị trường BĐS chuyên nghiệp để có thể xây dựng một hệ thống phù hợp có thể áp dụng vào thực tiễn.
Hiện tại các thủ tục mua bán BĐS ở Việt Nam vẫn phải thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế.
Và nếu như tôi mua một BĐS khác ở Việt Nam, làm thế nào để chính quyền biết tôi đã sở hữu một BĐS mà không phải thông qua việc xem xét lại một loạt các tài liệu, giấy tờ liên quan? Rõ ràng, việc này sẽ rất khó khăn và mất thời gian nếu như không có sự trợ giúp của hệ thống công nghệ thông tin.
Ông Stephen Wyatt cho rằng, để thực hiện việc này hiệu quả trong toàn bộ hệ thống, chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống thông tin để lưu trữ tất cả các hồ sơ về các giao dịch BĐS, các chủ sỡ hữu BĐS. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn thách thức khi các thành viên trong gia đình có thể thay phiên sở hữu BĐS nhằm tránh thuế.
Mặt khác, hiện thị trường BĐS Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và đang rất hấp dẫn, có rất nhiều nhà đầu tư mua BĐS thứ hai trở lên. Vì thế theo ông Stephen Wyatt, kiến nghị đánh thuế lên người có 2, 3 nhà có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường BĐS thứ hai này và sẽ ảnh hưởng đến lượng giao dịch BĐS trên thị trường.
“Dưới góc nhìn của một công ty tư vấn BĐS, tôi cho rằng chúng ta cần phải tiến hành các nghiên cứu thị trường chuyên sâu để có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của điều luật này trên thị trường BĐS” - Ông Stephen Wyatt nói thêm.