Đối mặt với những phát triển và thay đổi lớn của xã hội, cải cách hệ thống giáo dục là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu tại Việt Nam.
Các nhà giáo dục trong nước phải liên tục cập nhật và mở rộng kiến thức của mình, học hỏi những ý tưởng mới từ các hệ thống giáo dục khác trên thế giới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ngài Ilkka-Pekka Simila - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam - nhấn mạnh: "Giáo dục luôn đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Và giáo viên là nền tảng quan trọng để Phần Lan có được nền giáo dục tốt.
Quan hệ song phương ngoại giao và kinh tế giữa Việt Nam và Phần Lan với nhiều dự án hợp tác trong vòng 3 thập kỷ qua đã khẳng định, Việt Nam là một đối tác tiềm năng và bền vững.
Giáo dục là một trong những khu vực để 2 nước có nhiều hợp tác trong tương lai. Tôi tin rằng bài học giáo dục của Phần Lan trong cuốn sách Bài học Phần Lan sẽ giúp các nhà giáo dục Việt Nam có nhiều bài học trong quá trình xây dựng giáo dục trong thời gian tới".
Câu hỏi "Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?" được các diễn giả "mổ xẻ" trên cơ sở những đúc rút về những khó khăn, thành tựu của giáo dục Phần Lan đã được mô tả chân thực trong cuốn sách được gưới thiệu trong khuôn khổ chương trình - cuốn Bài học Phần Lan 2.0.
Theo ông Phạm Chí Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT): "Cuốn sách này được viết bởi giáo sư rất nổi tiếng của Phần Lan. Đây là cuốn sách thực sự có ý nghĩa với Việt Nam trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục phổ thông… Bản thân tôi sẽ đọc và giới thiệu cùng với đồng nghiệp để tìm hiểu cách tiếp cận giáo dục mới".
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) - đánh giá: "Giáo dục Phần Lan luôn là điều gì đó tạo sự tò mò, háo hức đối với bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới.
Tham khảo cuốn sách này, Việt Nam sẽ có thể thấy những tương đồng và rút ra những bài học kinh nghiệm quý để áp dụng vào thực tế đổi mới giáo dục".
Đến từ Phần Lan, bà Ms.Riikka Hassi - Giáo viên tiêu chuẩn của nền giáo dục Phần Lan - chia sẻ: "Cuốn sách này không phải là kinh điển để áp dụng hoàn toàn vào nền giáo dục Việt Nam nhưng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể tham khảo.
Câu chuyện Phần Lan là câu chuyện sống còn vì chúng tôi đã vượt qua rất nhiều những thăng trầm chứ không phải là toàn thuận lợi.
Bình đẳng giới là từ khóa trong hệ thống giáo dục Phần Lan với mong muốn tất cả mọi người được tiếp cận nền giáo dục tốt. Phần Lan là nước có nền giáo dục tốt nhất. Tất cả các học sinh được bình đẳng tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao không phân biệt hoàn cảnh xuất thân, vùng sâu vùng xa.
Trong cuốn sách, tác giả đã nên những nghịch lý rằng học ít giờ đi nhưng học trò Phần Lan chất lượng tăng lên. Trên thực tế, bằng cách này giáo viên có nhiều thời gian soạn bài, soạn giáo án, thời gian tương tác với học sinh, phụ huynh nhiều hơn.
Tại Phần Lan kiến thức của các học sinh sẽ không được kiểm tra quá nhiều nhờ các bài test, chỉ có bài kiểm tra đầu vào, cuối học kỳ có bài kiểm tra đánh giá và cuối cùng là bài kiểm tra quốc gia.
Ngoài việc đánh giá kiến thức các em học ở trường còn có bài kiểm tra tính cách, dự định các em làm trong tương lai. Tạo sự bình đẳng nhưng khuyến khích sự đa dạng để tận dụng được thế mạnh, tài năng của học sinh".
Đồng thuận với đánh giá của ngài Đại sứ, bà Ms.Riikka Hassi cũng nhấn mạnh: Giáo viên là nền tảng trong toàn bộ hệ thống giáo dục Phần Lan. Tất cả giáo viên được trọng vọng, trả lương cao, điều kiện tốt nhất, nghề giáo là nghề cao quý nhất tỏng xã hội Phần Lan.
Giáo viên là những chuyên gia được đào tạo chính quy, bài bản. Và sự tin tưởng là từ khóa trong nền giáo dục Phần Lan giữa thầy cô và phụ huynh, tin tưởng người dân và Chính phủ.
Bà Ms.Riikka Hassi nhận định: Chương trình đổi mới giáo dục Việt Nam tập trung vào kỹ năng để học sinh có kỹ năng làm việc tốt hơn. Phần Lan cũng làm những công việc tương tự, thay vì dạy gì thì sẽ nghĩ dạy ra làm sao?
Sự tiếp cận linh hoạt và nhiều đổi mới trong giảng dạy đó là phương châm mà chính phủ Phần Lan sẽ theo đuổi trong sự phát triển giáo dục.
Chương trình thiết kế ra làm sao phát huy tối đa tính sáng tạo của các em học sinh ngoài ra còn có các chính sách đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần đảm bảo mang lại cơ hội bình đẳng tiếp cận đối với nền giáo dục.
Các diễn giả tham gia tọa đàm đều chung mong muốn và tin tưởng chắc chắn rằng "Bài học Phần Lan" sẽ khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam.
Một hệ thống trường học thức đẩy bình đẳng với triết lý "không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau".
Giáo viên được coi là nhân tố quyết định cao nhất tới chất lượng giáo dục.
Các trường học Phần Lan tập trung phát triển toàn diện và xem thời gian vui chơi giải trí là một phần quan trọng trong sự phát triển của một con người.