(GD&TĐ) - Đây là khẳng định của bà Mandeep K. O’Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam tại buổi họp báo tổ chức ngày 10-7 kỷ niệm Ngày Dân số thế giới do Bộ Y tế và Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Cùng với đó bà Mandeep K. O’Brien cũng chỉ ra để duy trì được kết quả đạt được, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Quang cảnh buổi họp báo |
Tại buổi họp báo, Bộ Y tế và Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã kêu gọi nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy tiến độ để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tập trung vào chủ đề “Đạt được tiếp cận phổ cập chăm sóc sức khỏe sinh sản vào năm 2015”. Hiện nay, trên toàn thế giới, các vấn đề bất cập về sức khỏe sinh sản vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo một nghiên cứu mới của Viện Guttmacher và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), khoảng 222 triệu phụ nữ mong muốn tránh thai hoặc trì hoãn mang thai nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiệu quả. Gần 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày trong quá trình sinh nở. Khoảng 1,8 tỷ thanh niên đang bước vào tuổi sinh đẻ nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng và các dịch vụ cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe của họ.
Theo tiến sĩ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA: “Khi mà chúng ta đáp ứng được nhu cầu toàn cầu về kế hoạch hóa gia đình tự nguyện thì không chỉ giúp cứu sống mà còn nâng cao cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em. Điều này cũng sẽ giúp trao quyền cho người phụ nữ, giảm nghèo và xây dựng các quốc gia vững mạnh hơn”. Tiến sĩ Osotimehin cũng nhấn mạnh “Khoảng cách giữa nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và sự có sẵn của các dịch vụ cần phải được giải quyết, bắt đầu từ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất như phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn và thanh niên, những người giúp đảm bảo tương lai của thế giới chúng ta”.
Số liệu từ Bộ Y tế và các điều tra dân số khác cho thấy, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường độ bao phủ kế hoạch hóa gia đình, các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: “Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, luật pháp, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác dân số, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam và Chiến lược quốc gia về Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010, công tác dân số, sức khỏe sinh sản đã đạt những kết quả quan trọng góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, một số nhóm dân số, như: Vị thành niên, thanh niên và những người chưa kết hôn, di cư, dân tộc thiểu số, người cao tuổi còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản. Chính vì điều đó, số trường hợp có thai ngoài ý muốn vẫn tăng đáng kể, dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai cao, đặc biệt là trong nhóm thanh niên và người chưa kết hôn. Phân tích số liệu gần đây từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010 cho thấy, hơn 10% thanh niên còn chưa được đáp ứng các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp tử vong mẹ xảy ra tại các vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (bao gồm HIV) tiếp tục là một trở ngại. Điều này cho thấy, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể giải quyết những thách thức này.
Bà Mandeep K. O’Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Đầu tư cho vị thành niên và thanh niên có thể thúc đẩy cuộc chiến chống nghèo, HIV và AIDS, thu hẹp khoảng cách kinh tế-xã hội và chống phân biệt đối xử giới. Nếu chúng ta không đáp ứng được quyền được giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền được bảo vệ, được tham gia và có việc làm thỏa đáng của vị thành niên và thanh niên thì vòng luẩn quẩn đói nghèo vẫn duy trì và sẽ tước bỏ cơ hội được phát triển toàn diện hết tiềm năng của vị thành niên và thanh niên, để họ có thể trở thành những công dân khỏe mạnh và lao động hiệu quả của xã hội”.
Tại buổi họp báo cũng đã chỉ ra, để có thể duy trì động lực đạt được mục tiêu dân số, sức khỏe sinh sản và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG5 (Cải thiện sức khỏe bà mẹ và tăng cường phổ cập tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản) tại tất cả các thôn, xã trên địa bàn cả nước, Việt Nam phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản cho các nhóm dân số thiệt thòi nhất. Việt Nam cần phải củng cố kiến thức, kỹ năng và thái độ của những người cung cấp dịch vụ công và tư về chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản.
tin và ảnh: Vũ Thành