Việt Nam đạt nhiều thành tựu phát triển GD vùng khó

Việt Nam đạt nhiều thành tựu phát triển GD vùng khó
(GD&TĐ) - Ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có buổi làm việc với Bà Magdalena sepulveda, chuyên gia độc lập về Nhân quyền và Đói nghèo của Liên hiệp quốc về vấn đề giáo dục cho các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Dự buổi làm việc còn có đại diện các Cục, Vụ, Viện chức năng của Bộ GD-ĐT.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu phát triển GD vùng khó ảnh 1
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh,gdtd.vn
Tại buổi làm việc, bà Magdalena sepulveda và các thành viên trong đoàn rất quan tâm đến nền giáo dục của Việt Nam, mặt bằng chung và tình hình phát triển giáo dục ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Các mối quan tâm của đoàn chuyên gia tập chung chủ yếu vào việc: trong hoàn cảnh Việt Nam đang bùng nổ kinh tế thị trường, Bộ GD-ĐT làm thế nào để giảm thiểu chênh lệch mặt bằng chung về học vấn giữa các vùng miền cũng như đảm bảo quyền lợi bình đẳng về cơ hội học tập cho các học sinh là con em các dân tộc thiểu số, hộ nghèo...
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã sơ lược thông báo cho bà  Magdalena sepulveda và các thành viên trong đoàn bức tranh tổng thể của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, bao gồm những thành tựu, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức phía trước
Do điều kiện địa lý trải dài dọc từ Bắc vào Nam nên đã phân chia ra các vùng có các điệu kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác giáo dục đồng đều trên cả nước. Đa phần các vùng đang gặp khó khăn trong công tác dạy và học  thì cũng chính là các vùng mà chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Đơn cử như Tây Nam Bộ, Tây Bắc Bộ.
Đầu năm 2008, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo đến năm 2010 với 7 mục tiêu, cho đến nay đã cơ bản hoàn thành; giúp cho nền giáo dục của Việt Nam có bước tiến đồng đều cả về chất lượng và trình độ giữa các vùng miền. 
Bộ trưởng LĐTHXH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học giỏi. Ảnh,gdtd.vn
Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo đã đem lại sự phát triển giáo dục khá đồng đều ở các vùng miền. Ảnh,gdtd.vn
Các nhiệm vụ chính của chương trình gồm: hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục THCS, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học; Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất các trường học; Tăng cường năng lực dạy nghề. Các mục tiêu này nhằm giảm tải những khó khăn cho công tác dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, hỗ trợ những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tiền ăn, học cho các học sinh ở các vùng miền khó khăn nhất của đất nước có cơ hội cắp sách đến trường.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh với đoàn chuyên gia, Việt Nam có cơ chế đặc thù rất riêng đã và đang triển khai mạnh mẽ ở các địa phương đó là mô hình trường nội trú và bán trú dân nuôi. Đây được coi là một thành công của chương trình xã hội hóa công tác giáo dục, giúp các trường học ở miền núi duy trì sĩ số, từng bước nâng cao kiến thức cho học sinh ở đây.
Với các em học bán trú, Nhà nước hỗ trợ tiền học bằng 40% mức lương cơ bản/ tháng; học nội trú, nhà nước hỗ bằng 80% lương cơ bản/tháng và kèm theo các khoản hỗ trợ khác như đồ dùng cá nhân, chi phí đi lại giữa quê nhà và nhà trường...
fsdg
Càng học lên cao, HS vùng khó càng có điều kiện được hỗ trợ tiếp cận GD
Đoàn chuyên gia nêu câu hỏi về vấn đề hộ khẩu trong hồ sơ nhập học đối với trường hợp các em học sinh đang trong độ tuổi học cấp tiểu học mà gia đình có hoàn cảnh du canh du cư. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết,  ngành giáo dục đã giao nhiệm vụ cho các trường và địa phương (nơi đi, nơi đến) thu hút tất cả các em trong độ tuổi này đến trường nên học sinh không cần có hộ khẩu mà vẫn được nhận vào lớp để đảm bảo quá trình học liên tục của các em.
Càng học lên cao, học sinh là con em các dân tộc thiểu số, hoặc con hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện kinh tế khó khăn, con em các đối tượng chính sách... càng có nhiều cơ hội nhận được hỗ trợ từ nhà nước để tạo cơ hội học hành công bằng cho các em. Như chế độ ưu tiên cộng điểm cho các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khi thi tuyển đầu vào các trường CĐ-ĐH. Chế độ miễn giảm học phí, cho vay sinh viên nghèo....
Kết thúc buổi làm việc, bà Magdalena sepulveda đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển giáo dục tại các vùng miền khó khăn. Bà hy vọng, các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ học hỏi từ Việt Nam nhiều điều về kinh nghiệm phát triển giáo dục các vùng khó khăn.
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ