Việt Nam có thể tu sửa tác phẩm mỹ thuật xưa?

Ngành Mỹ thuật và Bảo tàng Việt Nam hy vọng vào một hướng mới trong việc tu sửa phục chế các tác phẩm mỹ thuật xưa, quý.

Việt Nam có thể tu sửa tác phẩm mỹ thuật xưa?

Cuối tháng 2/2019, 4 bức tranh của Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào) được sửa chữa, phục chế gần như nguyên trạng và trao lại cho bạn trong niềm vui không chỉ của những người làm công tác bảo tàng Việt Nam, Lào mà còn là một niềm vui của Trung tâm Bảo quản - Tu sửa các tác phẩm nghệ thuật (trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Xem như từ đây có thể “tự lực cánh sinh”, và việc hồi sinh các tác phầm mỹ thuật giá trị của Bảo tàng đã có nhiều hy vọng lạc quan.

Khi hiện vật ngày càng “yếu”

Không chỉ thời gian là thử thách sự tồn tại nguyên vẹn của các hiện vật mỹ thuật, mà thời tiết đặc trưng của Việt Nam cũng là sự đối diện khắc nghiệt để có thể lưu giữ chúng, nhất là các chất liệu dễ tổn thương như giấy, lụa, sơn mài…

viet nam co the tu sua tac pham my thuat xua? hinh 1
Chân dung Hoàng thân Souphanouvong khi chưa được tu sửa

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đươc thành lập từ năm 1966, đến nay qua hơn 53 năm, là nơi lưu giữ những bảo vật vô giá không chỉ của nền mỹ thuật Việt Nam mà còn là những báu vật thời gian, tài sản quý của quốc gia, gồm 20.000 hiện vật, phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình, tiêu biểu cho nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền sử cho đến ngày nay. 

Riêng với chất liệu giấy, Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 5.000 tác phẩm, hiện vật, trong đó có nhiều tác phẩm mỹ thuật của các danh họa nổi tiếng của Việt Nam. Và theo thời gian, cùng với thời tiết nhiệt đới gió mùa, rất nhiều hiện vật đã dần xuống cấp, hư hỏng, thậm chí hư hỏng nặng.

Ngay từ năm 1972, Bảo tàng đã thành lập Phòng Phục chế với các bộ phận chuyên môn như: Tranh sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, giấy, lụa... nhưng chủ yếu cũng chỉ mang tính bảo quản hay tu sửa những thứ đơn giản, bởi thiếu toàn diện, từ chuyên viên chuyên môn, kỹ thuật hỗ trợ, kinh nghiệm, tài chính... Và các hiện vật luôn “sống trong sợ hãi”, chưa biết sẽ “thọ” được đến đâu. 

viet nam co the tu sua tac pham my thuat xua? hinh 2
Chân dung Hoàng thân Souphanouvong được tu sửa

Không chỉ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mà cả triệu hiện vật thuộc hơn trăm bảo tàng trong toàn quốc, cùng hàng triệu tác phẩm hội họa được lưu giữ tại các gallery, các bộ sưu tập của cá nhân cũng đang phải chống chọi với thời gian và khí hậu cũng như điều kiện bảo quản kém. 

Năm 2004, Chính phủ Australia tài trợ thông qua Hội đồng Nghệ thuật Australia và Tổ chức ASIALINK, chuyên gia Caroline Fry của Đại học Melbourne đã đến Bào tàng Mỹ thuật Việt Nam, thực hiện dự án tu sửa, phục chế bức tranh “Em Thúy”, kiệt tác của danh họa Trần Văn Cẩn. 

Cùng lúc, hai bức tranh sơn mài khổ lớn là “Nam Bắc một nhà” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và “Hội Chùa” của họa sĩ Lê Quốc Lộc - Nguyễn Văn Quế cũng được tu sửa nhờ sự giúp đỡ từ Quỹ Bảo tồn văn hóa của Chính phủ Mỹ. 

viet nam co the tu sua tac pham my thuat xua? hinh 3
Bức tranh Vịnh Hạ Long sau khi tu sửa

Trong thời điểm này, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch ra quyết định thành lập “Trung tâm Bảo quản - Tu sửa các tác phẩm nghệ thuật” (trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật) để vừa kết hợp với các tổ chức quốc tế trong bảo quản, tu sửa tác phẩm, vừa để học hỏi, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm phục chế mỹ thuật cho cả nước.

Mười mấy năm nay, Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Đức thông qua hợp tác với Viện Goethe và Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức). Các chuyên gia Đức sang làm việc tại Bảo tàng, đồng thời cán bộ của Trung tâm cũng được sang Đức tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn. 

Nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng bằng các chất liệu sơn dầu, giấy được tu sửa, phục chế như: tranh sơn dầu “Mẹ con”- Lê Thị Kim Bạch, “Rượu cần”- Kà Kha Sam, “Tan ca mời chị em ra họp thi chọn thợ giỏi”- Nguyễn Đỗ Cung...  

Nhưng với những chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa và các chất liệu màu vẽ theo kiểu “made in Vietnam” tự chế, do sáng tác tại chiến trường, hay khó khăn thiếu thốn vì chiến tranh…,  tự pha trộn theo từng kiểu riêng của họa sĩ, tranh vẽ khi là giấy tập học sinh, tấm bìa cứng, bao bố, toan kém chất lượng, sơn vẽ pha dầu hôi, có tác phẩm nghiền cả nếp bánh chưng trộn màu…, chuyên gia ngoại cũng “thua”. 

Riêng với chất liệu truyền thống sơn mài thì ta phải hoàn toàn tự lực vì chuyên gia ngoại gần như không hiểu biết gì về chất liệu này. Những kỹ thuật học được ở nước ngoài với quy tắc chuẩn mực đều không tương thích khi áp dụng tu sửa, phục chế  tác phẩm mỹ thuật Việt. 

Do đó, chính ta lại phải tự nghiên cứu tìm cách chữa tác phẩm theo kiểu của Việt Nam, trong điều kiện mà cơ sở vật chất thì đụng gì thiếu đó, từ cái kính hiển vi điện tử đến cái bàn ủi chuyên dụng là phẳng mặt tranh…

Và “cái khó bó cái khôn”

Không thể ngồi bên kho tài sản vô giá của mỹ thuật quốc gia nhìn chúng sức khỏe càng ngày càng “yếu” và cũng không thể trông cậy vào chuyên gia nước ngoài, Trung tâm Bảo quản - Tu sửa đã vận dụng tài trí thông minh kết hợp nhiều mặt, “tự lực cánh sinh”, kể từ ngày thành lập đã tu sửa và áp dụng chế độ bảo quản hơn một trăm hiện vật mỗi năm.

Mới đây nhất, Trung tâm đã tu sửa thành công 4 tác phẩm mỹ thuật bị hư hại nặng của Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào). 4 tác phẩm, 4 chất liệu, có ý nghĩa lịch sử quan trọng và là tặng phẩm của nguyên thủ các quốc gia tặng các lãnh tụ Lào, bao gồm: “Chân dung Lê Nin”, 1979, gỗ ép; “Chân dung Fidel Castro”- Lal Varez, 1980, giấy; “Vịnh Hạ Long”- Trần Đông Lương, lụa và “Chân dung Hoàng thân Souphanouvong”- họa sĩ Nga, 1976, sơn dầu.

Ngoài ra Trung tâm cũng đã thực hiện một số dự án tu sửa cho các tổ chức khác như: Bảo quản tu sửa các hiện vật cho Hội trường Dinh Thống Nhất- TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng- TPHCM, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Nhà Rồng- TPHCM, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị- Huế...

Nhưng với số nhân sự chỉ có 11 người, quá ít ỏi và thiếu hụt, Trung tâm Bảo quản - Tu sửa không thể đáp ứng một cách đầy đủ cho nhu cầu của riêng của BTMT Việt Nam, chưa nói đến việc có thể đảm nhận trách nhiệm cho hệ thống hơn 160 bảo tàng trên khắp cả nước, trong đó có 125 bảo tàng công lập, với hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ. 

viet nam co the tu sua tac pham my thuat xua? hinh 4
Chân dung Lê Nin sau khi tu sửa

Và quan trọng hơn, việc tu sử vẫn là tự mày mò, tự tìm hiểu, theo kinh nghiệm cá nhân, tự tìm đường để đi, bởi ngoài học chuyên gia, ngoài những khóa đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài, thì trong nước và ở các trường Đại học Mỹ thuật, Cao đẳng Mỹ thuật..,  chưa có bất cứ một trường, một khoa nào có đào tạo chính quy về lĩnh vực này. 

Theo chuẩn, cán bộ bảo quản, tu sửa, phục chế tác phẩm mỹ thuật, ít nhất phải có trình độ đại học về nghệ thuật hoặc khoa học chuyên ngành, hiểu biết về hiện vật, được đào tạo nâng cao một số lĩnh vực: Lịch sử nghệ thuật, lịch sử văn minh, văn hóa truyền thống,  phương pháp nghiên cứu và tư liệu hóa, kiến thức về công nghệ và vật liệu, tính chất hóa học, sinh học và vật lý của quá trình hư hỏng hiện vật và phương pháp bảo quản…,  đồng thời, sang thời công nghệ, còn cần cả những chuyên viên IT chuyên ngành mỹ thuật và bảo tàng…

Để có thể tự chủ nguồn nhân lực cho ngành phục chế, tu sửa các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, thực sự là chuyên gia trong nước và khu vực chứ không phải họa sĩ tay ngang, mò mẫm làm theo kiểu góp nhặt kinh nghiệm cá nhân, kết hợp Đông - Tây thì công tác đào tạo phải được đặt ra một cách cấp thiết bởi hiện vật không thể đợi và không thể “sống khỏe” trong điều kiện  khắc nghiệt về thời gian, khí hậu ở Việt Nam. 

Đã tới lúc cần nghiêm túc đầu tư lĩnh vực này, rất cần sự quan tâm của các cấp Nhà nước, Bộ chủ quản, Bộ Tài chính, ngành Bảo tàng, ngành Mỹ thuật, các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ