Ảnh mang tính chất minh họa |
Phiên họp ngày 17 cũng đã thông qua các nghị quyết và kết nạp các hội viên mới và bầu Ban chấp hành IMU (Executive Committee- EC) có 10 thành viên.
Theo đó, Chủ tịch: Ingrid Daubechies, ĐH Princeton (Mỹ)
Tổng thư ký: Martin Groetschel (Đức)
Phó Chủ tịch: Christiane Rousseau (Canada) và Marcelo Viana (Brasil)
6 ủy viên còn lại thuộc về các nước: Tây Ban Nha, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Anh và Pháp.
Trong 2 ban chuyên trách của IMU, Ban có nhiều gắn bó nhất với Việt Nam là Ban vì các nước đang phát triển (CDC- Commission for Developing Countries).
Ban thứ hai là Ban quốc tế về lịch sử toán học. Có 6 cương vị lãnh đạo được bầu vào CDC: Chủ tịch- Jose Antonio de la Pexna (Mehxico), 2 thư ký về chính sách và tài trợ thuộc về Mỹ và Ấn Độ. Ba ủy viên còn lại thuộc về châu Á (1), châu Phi (1) và châu Mỹ Latin (1).
GS Hoàng Xuân Phú, Viện toán học Việt Nam đã trúng cử Ủy viên Ban “Vì các nước đang phát triển”.
Theo GS Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một nhà toán học Việt Nam tham gia vào 1 trong 3 cơ quan chức năng của IMU.
Đại hội Quốc tế các nhà toán học (International Congress of Mathematicians viết tắt là ICM) họp từ ngày 19 đến 27-8-2010 tại Hyderabad, thành phố hơn 4 triệu dân, thủ phủ bang Andha Pradesh, nằm trên bán đảo Deccan bên vịnh Bengal, Ấn Độ.
ICM họp 4 năm một lần, do Hiệp hội Toán học quốc tế (International Mathematical Union viết tắt là IMU) tổ chức. Số nhà toán học các nước đến dự vào khoảng 3.500 người. IMU có 71 quốc gia thành viên. Rất nhiều nước chưa phải là thành viên IMU, bởi vì chưa có đội ngũ nghiên cứu toán học.
Việt Nam, từ lâu đã là một thành viên tích cực của IMU. Tại nhiều kỳ Đại hội IMU, nhiều nhà toán học Việt Nam đã trình bày báo cáo ở các phân ban.
Tính từ năm 1936 (năm đầu tiên tặng Huy chương Fields) đến nay, mới có 48 nhà toán học được tặng huy chương này, nhiều nhất là Mỹ, Pháp, Nga, rồi đến Nhật Bản, Anh, CHLB Đức, Italia, Thuỵ Điển, Na Uy, Bỉ, New Zealand. Ở châu Á mới có 3 nhà toán học Nhật Bản được tặng Huy chương Fields. Ngoài ra, có thể kể thêm 2 nhà toán học người Mỹ gốc Hoa cũng được tặng huy chương này là: Shing-Tung Yau (Khâu Thành Đồng) năm 1982, và Terence Chi-Shen Tao (Đào Triết Hiên) năm 2006.
Vậy nên, nếu GS.Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields vào giữa tháng 8-2010, thì đó sẽ là một sự kiện khoa học có ý nghĩa rất lớn.
NN (TH)