Khó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

GD&TĐ - Việc Mỹ và Trung Quốc đều lần lượt công bố danh sách áp thuế các mặt hàng nhập khẩu của nhau, khiến thế giới ngày càng lo lắng về một cuộc chiến thương mại khó tránh khỏi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Khó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Nếu lo ngại đó trở thành sự thật, thậm chí kinh tế toàn cầu cũng không tránh khỏi sự tác động nghiêm trọng. Tuy nhiên, xem ra đó chỉ là viễn cảnh mà thôi…

Ăn miếng trả miếng

Như báo GD&TĐ đưa tin, hôm 4/4, Mỹ đã chính thức công bố danh sách áp thuế với hàng hóa Trung Quốc nhập vào nước này. Theo đó, khoảng 1.300 sản phẩm kỹ nghệ công nghiệp, vận tải, và y tế của Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế suất 25%.

Động thái trên của Nhà Trắng nhằm gây sức ép khiến Trung Quốc phải thay đổi các ứng xử về quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những quyết định áp thuế bổ sung nặng nề nhất của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, sau khi Nhà Trắng đã quyết định áp thuế suất mới đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào nước Mỹ hồi đầu tháng 3 (Trung Quốc vốn là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu nhôm, thép lớn nhất thế giới).

Nhằm trả đũa quyết định áp thuế của Mỹ, Trung Quốc cũng có ngay biện pháp trừng phạt ngược. Ngày Chủ nhật 1/4, Bắc Kinh áp đặt thêm thuế quan lên đến 25% lên 128 sản phẩm Hoa Kỳ trong đó có thịt heo đông lạnh, cũng như rượu vang và một vài loại trái cây và hạt để đáp trả thuế quan cao đối với nhôm và thép nhập khẩu như đã nói ở trên, với tổng trị giá áp thuế lên tới 60 tỷ USD. Điều này càng làm tăng thêm lo ngại toàn cầu về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Mỹ sẽ chịu thiệt nhiều hơn?

Ngay giới quan chức trong đảng Cộng hòa của ông Trump cũng nhiều người phản đối sự cứng rắn của Mỹ, cho rằng sẽ gây thiệt hại đối với chính nền kinh tế Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng có chung lo ngại này.

Vào rạng sáng 5/4 theo giờ Việt Nam, hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế Mark Zandi của Moody"s Analytics, cho rằng các mức thuế mới gần đây của Tổng thống Donald Trump và trả đũa từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế nội địa của Mỹ từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm trong 12 tháng tới. Tất nhiên ông lưu ý rằng ảnh hưởng đối với nền kinh tế sẽ rất nhỏ, nhưng nếu căng thẳng leo thang, tụt giảm về GDP sẽ tăng lên đáng kể về lâu dài.

Bất chấp các cảnh báo, phớt lờ cả việc Trung Quốc trả đũa bằng biện pháp áp thuế quan tương tự, Nhà Trắng và nhất là ông Trump không hề có ý định xuống thang, càng không lo ngại về một cuộc chiến thương mại, nếu không muốn nói là Mỹ đã sẵn sàng cho “cuộc chiến” này, như những tuyên bố của ông Trump trên trang

Twitter, với khẳng định chắc nịch phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về Mỹ.

Cứng rắn để…đàm phán?

Trước những phản ứng của những người phản đối chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, và tất nhiên là trước những phản ứng gay gắt của Bắc Kinh (từ các tuyên bố cho tới hàng động trả đũa cụ thể), Nhà Trắng đã không ngần ngại tuyên bố Trung Quốc cần phải tự điều chỉnh các chính sách thương mại (cụ thể là việc xâm phạm công nghệ và tài sản trí tuệ) để Nhà Trắng có thể xem xét lại việc áp đặt các thuế quan nhập khẩu như đã thông báo hôm 4/4 (vốn có hiệu lực thực thi sau 60 ngày).

“Còn vài tháng nữa trước khi thuế quan của mỗi bên bắt đầu có hiệu lực và được thực thi, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ hành động đúng”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết khi tuyên bố với báo chí rạng sáng 5/4 theo giờ Việt Nam. Bà nhấn mạnh: “Tôi thiết nghĩ nếu Trung Quốc không thay đổi hành vi và không ngưng các tập tục thương mại bất công, chúng tôi sẽ xúc tiến (thuế quan nhập khẩu mới)”.

Trước cứng rắn của Nhà Trắng, cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, nói rằng Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp thương mại với Washington thông qua các cuộc thương lượng, nhưng cả đôi bên cần phải có thiện chí hợp tác để tìm ra tiếng nói chung. Cụ thể trong phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Quyền Ngoại trưởng Mỹ John Sullivan ở Bộ Ngoại giao, ông Thôi để ngỏ: “Chúng tôi vẫn muốn thương thảo, nhưng phải đôi bên cùng hợp tác mới được. Chúng tôi chờ xem Mỹ sẽ hành động thế nào”.

Thực tế đằng sau các tuyên bố cũng như hành động cứng rắn, cả Washington và Bắc Kinh đều ngầm gợi mở cánh cửa đối thoại. Thậm chí truyền thông Mỹ còn dẫn nguồn tin từ một giới chức thương mại cho biết Hoa Kỳ có thể thương thảo với Trung Quốc để giải quyết các cách biệt trong lĩnh vực thương mại, nhưng không cho biết có cuộc họp cấp cao nào được lên lịch hay chưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.