Việt Nam - Ai Cập chia sẻ kinh nghiệm giáo dục và đào tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 15/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc có buổi tiếp bà Sahar Mohamed Bahaa Eldin Gouda El-Bazar, Phó Trưởng ban Đối ngoại Ai Cập.

Hai bên trao đổi kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo.
Hai bên trao đổi kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo.

Vui mừng đón tiếp bà Sahar Mohamed Bahaa Eldin Gouda El-Bazar cùng đoàn công tác đến làm việc với Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Ai Cập thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, thực hiện tự chủ đại học cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ và tạo bước chuyển biến tích cực.

Chia sẻ một số thông tin chung của giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hy vọng hai bên có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, bài học trong giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi các chương trình học bổng đại học và sau đại học ngắn hạn, dài hạn trong các lĩnh vực thế mạnh của hai bên. Việt Nam – Ai Cập tăng cường hợp tác trao đổi đoàn chuyên gia giáo dục, trao đổi sinh viên, giảng viên và tăng cường nghiên cứu khoa học giữa hai bên.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc vui mừng tiếp đón Phó Trưởng ban Đối ngoại Ai Cập.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc vui mừng tiếp đón Phó Trưởng ban Đối ngoại Ai Cập.

Ghi nhận những chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Sahar Mohamed Bahaa Eldin Gouda El-Bazar, Phó Trưởng ban Đối ngoại Ai Cập, bày tỏ hy vọng hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần khiến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu. Trong đó, cần chú trọng cơ hội trao đổi sinh viên, giảng viên; kinh nghiệm của các trường đại học và bài học của ngành Giáo dục hai bên.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi thông tin về việc triển khai một số nội dung như giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học); chuyển đổi số trong giáo dục; đào tạo trực tuyến; quản trị trường học...

Theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), từ năm 2009, Ai Cập cấp 10 học bổng thường niên đi thực tập tiếng Ả Rập trong thời gian một năm cho sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2012, Ai Cập mở rộng thêm đối tượng của học bổng cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Từ năm 2013 đến nay, Ai Cập tăng số lượng học bổng thực tập tiếng là 12 học bổng.

Ngoài ra, phía Ai Cập dành khoảng 5 suất học bổng thường niên cho các khóa tập huấn ngắn hạn cho cán bộ, giảng viên về các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ