Viên sỏi có kích thước 4x4cm, được lấy từ trong bàng quang của một người đàn ông 63 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ. Bức ảnh được bác sĩ Oktay Ozman, thuộc khoa Thận tiết niệu Đại học Y Cerrahpaşa, Istanbul, chia sẻ lên trang Figure 1.
Theo bác sĩ Oktay Ozman, bệnh nhân tìm đến ông với các triệu chứng đau ở hông, bí tiểu và có máu trong nước tiểu.
Khi tiến hành các kiểm tra, bao gồm cả nội soi bàng quang, bác sĩ phát hiện người đàn ông này bị phì đại tiền liệt tuyến, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sỏi bàng quang ở nam giới. Sau đó bệnh nhân được chỉ định tiến hành phẫu thuật loại bỏ sỏi bàng quang.
“Viên sỏi khá lớn, thật không thể biết được nó đã ở trong cơ thể ông ấy bao lâu. Ông ấy đã giữ nó trong suốt một tuần để cho tất cả mọi người xem và sau đó đã tặng nó lại cho chúng tôi. Đây là một trong những “viên sỏi” đẹp nhất mà tôi đã từng nhìn thấy”, bác sĩ Ozman hài hước nói.
Vật thể có hình thù kỳ quái này thực ra là viên sỏi bàng quang, là các khoáng chất tích tụ khi bàng quang không được làm trống hoàn toàn, tạo thành những khối đá nhỏ. Ảnh: Daily Mail.
Theo một bài báo trên tạp chí Obstetrics & Gynaecology, đàn ông có nguy cơ bị sỏi trong bàng quang rất cao, phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi.
Nguyên nhân phổ biến nhất là phì đại tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt lớn, nó có thể chèn ép niệu đạo và gây cản trở dòng nước tiểu, làm cho nước tiểu trong bàng quang không thoát ra hết. Theo thời gian các khoáng chất có trong nước tiểu không được đào thải bị lắng xuống, dần dần hình thành các viên sỏi.
Các phương pháp được sử dụng để tiến hành chẩn đoán sỏi bàng quang bao gồm nội soi bàng quang, chụp CT scan, siêu âm, hay thông qua chụp X-quang, đây là một thủ thuật rẻ tiền và dễ thực hiện. Sỏi bàng quang có kích thước nhỏ hơn 1 cm có thể được đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng những viên có kích thước lớn thì cần phải phẫu thuật.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để ngăn ngừa sỏi bàng quang là uống nhiều nước, vì nước sẽ làm loãng nồng độ khoáng chất trong bàng quang.
Tuy nhiên không phải cứ uống nhiều nước là tốt. Điều này phụ thuộc vào tuổi, thể trạng, sức khỏe và mức độ hoạt động của mỗi người. Bên cạnh đó, đi tiểu ở tư thế ngồi có thể giúp làm rỗng bàng quang một cách hiệu quả hơn.