Viện phí “cõng” lương bác sỹ: Có thay đổi được thái độ phục vụ dân?

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, từ năm 2017, viện phí sẽ bao gồm cả lương của y, bác sỹ. Điều này được kỳ vọng sẽ thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, bỏ tư duy xin cho, ban ơn với bệnh nhân của một bộ phận cán bộ, song vẫn còn lo ngại rằng, việc thay đổi không dễ.

Viện phí “cõng” lương bác sỹ: Có thay đổi được thái độ phục vụ dân?

Nhiều băn khoăn

Được biết hiện giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng hiện chỉ áp dụng với các trường hợp điều trị do quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Tuy nhiên năm 2017, viện phí sẽ được điều chỉnh tăng đối với nhóm người chưa có thẻ BHYT hiện chiếm gần 20% dân số. Theo đó, viện phí của người không có BHYT sẽ được điều chỉnh tính thêm chi phí phụ cấp ngày trực, phẫu thuật thủ thuật và tiền lương của nhân viên y tế. Trong khoảng 1.900 dịch vụ, nhiều dịch vụ sẽ tăng giá gấp 2 - 3 lần.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết tại nhiều bệnh viện (BV) đang tồn tại 3 hình thức viện phí: Do BHYT chi trả, khám chữa bệnh (KCB) không có BHYT và KCB theo yêu cầu. Tại các BV tuyến trên, đa phần người dân chọn KCB không có BHYT vì không muốn xếp hàng, đợi chờ. Tuy nhiên, tới đây, khi viện phí điều chỉnh tăng đồng đều, người bệnh sẽ cân nhắc việc tham gia BHYT. Hiện nay, giá dịch vụ KCB của người không có thẻ BHYT chưa tính đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ. Vì thế, lần điều chỉnh này sẽ tính thêm tiền lương, phụ cấp; tối đa bằng mức giá của các dịch vụ do BHYT thanh toán.

Trước chủ trương tăng viện phí với người không có thẻ BHYT, nhiều người dân có chung tâm trạng bất an bởi họ không chỉ lo lắng về gánh nặng chi phí khám chữa bệnh tăng cao mà còn băn khoăn khi việc tăng viện phí liên tục nhưng chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện, thái độ của y, bác sỹ vẫn chưa được cải thiện tương xứng.

Không thể một sớm một chiều

Mới đây, tại Diễn đàn về BV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế yếu kém còn tồn tại của ngành Y tế khiến chất lượng khám chữa bệnh chưa được nâng cao, quá tải BV còn tồn tại, thái độ của nhân viên y tế chưa được cải thiện nhiều. “Hiện một số lãnh đạo BV cũng chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ và chưa triệt để với quyết tâm cao nhất; vẫn nặng về cơ chế bao cấp ngày xưa. Nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ… nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh” - Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận.

Về chủ trương tăng viện phí, đại diện nhiều BV cho rằng, đây là đòn bẩy để các bệnh nhân nâng cao chất lượng, cạnh tranh nhau trong việc thu hút bệnh nhân. Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho rằng người bệnh có BHYT sẽ được hưởng lợi nhiều khi viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ. Theo đó, chất lượng dịch vụ y tế sẽ tốt hơn vì viện phí tính đủ khuyến khích các cơ sở KCB phấn đấu nâng cao chất lượng. Các BV sẽ có nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ KCB. Nhân viên y tế cũng phấn đấu phục vụ tốt người bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng thì chưa có nhiều niềm tin rằng việc tăng viện phí sẽ thay đổi ngay được thái độ của nhân viên y tế; “bệnh phong bì” đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức của một bộ phận nhân viên y tế. “Thậm chí, viện phí tăng, “người bệnh trả lương cho y, bác sỹ” sẽ kéo theo các áp lực cạnh tranh, thu hút bệnh nhân nên dễ dẫn tới lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, chỉ định bệnh nhân phải xét nghiệm, chiếu chụp không cần thiết” - ông Trần Tuấn lo ngại.

Giá khám bệnh sau khi tính lương vào viện phí: BV hạng đặc biệt và hạng I tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng/lượt, BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, BV hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng. Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy… tại các BV hạng đặc biệt: Từ 354.000 đồng tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng II: Từ 350.000 lên 569.000 đồng. Giường bệnh nội khoa tại BV hạng đặc biệt tăng từ 99.000 đồng lên 215.000 đồng; giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, tai biến… tăng từ 89.000 đồng lên 192.000 đồng/người/ngày…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ