Việc Nga rời bỏ đồng đô la và euro là quá trình không thể đảo ngược

GD&TĐ - Nga đang rời bỏ việc sử dụng đồng đô la Mỹ và đồng euro trong ngoại thương, một quá trình ‘không thể đảo ngược’.

Đồng đô la Mỹ.
Đồng đô la Mỹ.

Ông Andrei Kostin - người đứng đầu Ngân hàng VTB, một trong những nơi cho vay lớn nhất của Nga - cho biết việc loại bỏ đồng đô la Mỹ và đồng euro là một quá trình không thể đảo ngược đối với Nga.

“Theo xu hướng hiện tại, các đối tác thương mại nước ngoài chính của chúng tôi trong trung hạn sẽ là Trung Quốc, các nước EAEU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi. Chuyển sang tiền tệ quốc gia trong giao dịch thương mại với nhóm các quốc gia cụ thể này là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - ông Kostin nói tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu ở Baku hôm 27/10.

Hơn nữa, theo ông Kostin, việc Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đưa ra quyết định đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga vào đầu năm nay cho thấy không quốc gia nào an toàn trước cách đối xử như vậy. Đây là tình trạng có thể sẽ khiến các quốc gia khác quay lưng với tiền tệ dự trữ chính.

Ông Kostin nhấn mạnh: “Không nhà nước nào có thể cảm thấy được bảo vệ hoàn toàn trong điều kiện của nền kinh tế toàn cầu tập trung vào đồng đô la”.

Lời nói của ông Kostin lặp lại những tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng trước. Khi thảo luận về các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế đất nước dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga đã gọi việc phi đô la hóa là “một quá trình không thể tránh khỏi”.

Nga thông qua kế hoạch phi đô la hóa nền kinh tế trong nước năm 2018. Một gói biện pháp đã được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình này, với mục tiêu thực hiện các bước trong vòng 6 năm.

Tuy nhiên, sau các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có áp đặt lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow đã đẩy nhanh quá trình rời bỏ đồng đô la và euro. Một kế hoạch thanh toán dựa trên đồng rúp cho việc xuất khẩu khí đốt đã được thực hiện và đồng tiền quốc gia bắt đầu được sử dụng để giải quyết hoạt động ngoại thương của Nga với các đối tác thương mại.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ