Nhân viên cứu hộ đã chiến đấu trong đêm thứ 2 để tìm kiếm người sống sót sau trận động đất tàn khốc ở Myanmar, đã giết chết ít nhất 1.644 người và làm bị thương hàng nghìn người khác.
Các đội cứu hộ với rất ít thiết bị bảo vệ, đôi khi chỉ sử dụng tay không, đã chạy đua với thời gian để giải cứu người sống sót trong đống đổ nát của vô số tòa nhà bị phá hủy bởi trận động đất mạnh 7,7 độ richter hôm 28/3.
Có một khoảnh khắc vui mừng cho lực lượng cứu hộ kiệt sức khi một phụ nữ 30 tuổi được giải cứu sau hơn 30 giờ bị mắc kẹt bên dưới một tòa nhà chung cư ở Mandalay, thành phố lớn thứ 2 của Myanmar và là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phyu Lay Khaing, người được đưa ra khỏi Sky Villa Condominium, một tòa nhà 12 tầng, bằng cáng, đã được chồng cô, Ye Aung, ôm chầm lấy và đưa đến bệnh viện, AFP đưa tin. Người ta lo ngại vẫn còn hơn 90 người bị mắc kẹt ở đó.
Tại nước láng giềng Thái Lan, Thống đốc Bangkok, Chadchart Sittipunt, cho biết cuộc tìm kiếm công nhân xây dựng tại địa điểm tòa nhà 30 tầng bị sập ở thủ đô sẽ tiếp tục.
"Chúng tôi tin rằng vẫn còn người sống sót. Chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để giải cứu họ", ông nói tối 29/3.
Các máy móc hạng nặng, gồm cần cẩu và máy đào, đang được sử dụng để dọn đường vào công trường. Tòa nhà đổ xuống trong khi đang thi công gần chợ Chatuchak của thành phố.
UAV và chó nghiệp vụ đã được triển khai để xác định dấu hiệu của sự sống. Ít nhất 10 người đã tử vong ở Bangkok. Hàng chục người khác mất tích.
Sáng 29/3, người thân của các nạn nhân được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát có mặt cạnh đống đổ nát, theo dõi lực lượng cứu hộ làm việc.

Mẹ và chị gái của Junpen Kaewnoi là thợ sơn tại tòa nhà đang xây và hiện nằm trong số những người mất tích.
"Tôi đã liên tục gọi, nhưng không có kết quả. Tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng tút tút... tút... liên tục của tín hiệu bận", cô nói.
"Tôi cảm thấy như có một cục u trong bụng và không có cảm giác muốn ăn. Tôi lo mẹ và chị gái tôi vẫn bị kẹt bên trong từ hôm qua." Kaewnoi nhớ lại đã nói chuyện với chị gái sáng 28/3 trước khi họ đi làm.
Chính quyền quân sự cầm quyền Myanmar cho biết trong một tuyên bố rằng hiện đã tìm thấy 1.644 thi thể và 3.408 người khác bị thương. Những người khác vẫn đang mất tích.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing đã đưa ra lời kêu gọi hiếm hoi về sự giúp đỡ của quốc tế ngày 28/3 và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên sáu khu vực của đất nước.
Viện trợ bắt đầu đến Myanmar ngày 29/3. Nga và Trung Quốc đã cử đến các đội cứu hộ và vật tư. Ấn Độ đã gửi một đội tìm kiếm và cứu hộ cùng một đội y tế. Malaysia cho biết họ sẽ gửi 50 người tới ngày 30/3.
Thảm họa xảy ra vào thời điểm nhiều cơ quan cứu trợ đang thu hẹp hoạt động sau khi Tổng thống Trump cắt giảm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, một nhà tài trợ lớn.
Ông Trump cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ ứng phó, mặc dù vẫn chưa có cam kết cụ thể nào được công bố.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết sẽ gửi một gói viện trợ lên tới 10 triệu bảng để hỗ trợ người dân Myanmar.
EU tuyên bố đã cung cấp 2,5 triệu euro viện trợ khẩn cấp ban đầu và đánh giá nhu cầu thực tế để huy động thêm viện trợ.
LHQ đã phân bổ 5 triệu USD để bắt đầu các nỗ lực cứu trợ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang chuẩn bị tăng cường hỗ trợ để ứng phó với "mối đe dọa rất, rất lớn đối với tính mạng và sức khỏe".