Video tổ hợp EW Nga điều khiển tên lửa Mỹ bay theo ý mình

GD&TĐ -Không quân Nga vừa đăng tải đoạn video ghi lại pha áp chế mẫu mực của hệ thống tác chiến điện tử (EW) Vitebsk với tên lửa Stinger tại Ukraine.

Khoảnh khắc quả Stinger bay qua bụng Ka-52.
Khoảnh khắc quả Stinger bay qua bụng Ka-52.

Đoạn video được ghi lại hôm 27/4 cho thấy, khi chiếc trực thăng tấn công Ka-52 của Nga đang thực hiện tấn công mục tiêu quân sự Ukraine tại tỉnh Donetsk thì bất ngờ bị tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger do Mỹ sản xuất tấn công.

Tuy nhiên, dù đã tiếp cận ngay bên dưới bụng chiếc Ka-52 nhưng quả Stinger vẫn bay lệch đi hướng khác. "Quả tên lửa Stinger đã bắn trượt mục tiêu do bị hệ thống EW Vitebsk L370V52 trên Ka-52 áp chế khiến bay sang hướng khác", viên phi công trực thăng Nga nói.

Mặc dù vậy, viên phi công Nga vẫn thừa nhận, tên lửa MANPADS vẫn được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất với trực thăng vũ trang và cường kích yểm trợ hỏa lực tầm gần, những loại phi cơ thường phải hoạt động ở độ cao nhỏ trong vùng chiến sự ác liệt nhất.

Các tên lửa này thường sử dụng đầu dò hồng ngoại để bám theo nguồn nhiệt từ động cơ máy bay, không phát ra tín hiệu bám bắt và hoàn toàn vô hình với các hệ thống cảnh báo chiếu xạ trên phi cơ quân sự.

Để đối phó với mối nguy hiểm từ MANPADS, Ka-52 và hầu hết các trực thăng quân sự, cường kích Nga đều được trang bị Vitebsk L370V52. Tổ hợp này được Viện nghiên cứu Samara phát triển từ đầu thập niên 2010, xuất hiện lần đầu với biến thể xuất khẩu President-S vào năm 2015.

Hệ thống Vitebsk hoàn chỉnh có thể bảo vệ máy bay Nga khỏi tên lửa tầm nhiệt và dẫn đường bằng radar từ khoảng cách rất xa. Nó có thiết kế module với các bộ phận gắn cả trong thân và các giá treo vũ khí bên ngoài của máy bay, cho phép sử dụng tùy theo yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm chiến trường.

Thành phần trung tâm của Vitebsk là thiết bị điều khiển L370-1, có nhiệm vụ xử lý dữ liệu thu được từ hệ thống cảm biến để tự động kích hoạt thiết bị gây nhiễu và hệ thống phòng vệ khi phát hiện tên lửa lao đến.

L370-1 cũng đồng thời phát cảnh báo đến phi công và cung cấp thông tin về mối đe dọa, cho phép tổ lái lên phương án đối phó và đánh trả. Tai mắt của Vitebsk là cụm cảnh báo chiếu xạ radar kỹ thuật số L150 Pastel gắn ở mũi, đầu cánh và đuôi máy bay.

Nó hoạt động trong dải tần 1,2-18 GHz, có thể quan sát 360 độ theo chiều ngang và 60 độ theo phương thẳng đứng. Cùng với đó là cảm biến tử ngoại L370-2 và cảm biến laser L140 Otklik, cho phép phát hiện tín hiệu nhiệt từ tên lửa và chùm laser dẫn đường của đối phương.

Để vô hiệu hóa tên lửa, Vitebsk sử dụng đài gây nhiễu chủ động L370-3S để làm tên lửa dẫn đường bằng radar mất mục tiêu và bay xa khỏi phi cơ. Vũ khí chính của Vitebsk là đài chế áp hồng ngoại định hướng L370-5.

Nó có hình cầu và gắn bên ngoài thân máy bay, gần giống hệ thống bám bắt hồng ngoại và đo xa laser (OLS) trên tiêm kích chiến thuật của Nga. Thiết bị này có khả năng chọc mù tên lửa hồng ngoại ở khoảng cách 500-5.000m, kèm với đó là cụm phóng mồi bẫy nhiệt và radar UV-26 với 32 quả đạn. Mỗi máy bay có thể trang bị 2-4 cụm UV-26 tùy nhiệm vụ.

Nga cũng đang thử nghiệm mồi bẫy radar chủ động kéo sau cho các máy bay cánh bằng hạng nặng như chuyên cơ tổng thống và vận tải cơ. Nó là bộ phát tín hiệu vô tuyến gắn trên dây cáp dài 150m, có nhiệm vụ thu hút tên lửa dẫn đường bằng radar rời xa phi cơ cần bảo vệ.

Vitebsk khiến tên lửa Stinger bay chệch hướng.

Các trực thăng quân sự Mi-24, Mi-28 và Ka-52, trực thăng vận tải đa dụng Mi-8 và cảnh báo sớm Ka-31 đang dần được trang bị Vitebsk để tăng khả năng sống sót trên chiến trường.

Không quân Nga cho biết, chính Vitebsk là tấm khiên chặn hầu hết các cuộc tấn công bằng tên lửa MANPADS vào trực thăng Nga tại Syria và Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ