Gần đây, Báo Người Lao Động liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc tại TP HCM về tình trạng ở một số tuyến đường, vỉa hè quá cao và bó vỉa (phần chuyển tiếp cao độ giữa vỉa hè và mặt đường) tạo dốc thẳng đứng khiến nhiều người phải rất vất vả khi chạy xe vào nhà.
Không đặt “bục đệm ” thì ngã chỏng gọng
Chiều 16-6, chúng tôi chứng kiến một phụ nữ chạy xe máy chở theo con nhỏ, khi vào một cửa hàng ở gần giao lộ Trần Quang Khải - Trần Khắc Chân (phường Tân Định, quận 1) thì bị trượt ngã do bó vỉa quá cao. Ghi nhận dọc tuyến đường này, phần vỉa hè phía trước nhiều căn nhà, người dân phải dùng các tấm ván, bục thép được hàn lại để tạo ma sát rồi đặt tiếp giáp với lòng đường nhằm tạo bước đệm thuận tiện cho việc ra - vào.
Lý giải việc này, nhiều người cho rằng đường Trần Quang Khải có nhiều đoạn bó vỉa được thiết kế không đồng bộ, có nơi đoạn cao gần 20 cm với độ vênh lớn, gây mất an toàn cho các phương tiện mỗi khi lên xuống và bất tiện cho việc buôn bán. “Trên tuyến đường này, rất nhiều người đã bị ngã khi ra vào nhà do bó vỉa được thiết kế quá cao và lại lát bằng đá granit - loại đá rất dễ gây trơn trượt. Sợ nhất là phụ nữ hoặc trẻ em bị tai nạn khi lên xuống vỉa hè do tay lái yếu” - anh Nguyễn Viết Hùng, chủ một tiệm sửa xe trên tuyến đường này, cho biết.
Người dân sống bên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP HCM) phải làm các bục đệm bằng thép để ra vào nhà được thuận tiện, an toàn
Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (quận 1), người dân cũng than phiền vỉa hè được thiết kế quá cao so với lòng đường. Có những đoạn, bó vỉa được vạt xéo nhưng cao khoảng 20 cm, không có chỗ vạt thấp trước cửa nên rất khó khăn khi ra vào nhà. Một số hộ dân sống dọc tuyến đường này cho biết họ không thể đổ bê-tông tiếp giáp với đường vì sợ gây ngập úng do nước không tiêu thoát được khi trời mưa. “Việc đặt các bục đệm tràn xuống lòng đường, chúng tôi biết là sai quy định nhưng không còn cách nào khác vì nếu không sẽ rất dễ ngã khi ra vào” - chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngụ trên tuyến đường này, bức xúc.
Tương tự, trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (đoạn qua địa bàn các quận 1, 3, Phú Nhuận) được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất TP HCM song bó vỉa được lát bằng đá granit rất dễ trơn trượt khi trời mưa. Theo ghi nhận trên trục đường này, chỉ những đoạn trước các cơ quan, đường hẻm, bó vỉa và vỉa hè được vạt thấp theo dạng lòng máng nên hầu hết người dân đều phải chọn những vị trí này để chạy xe vào nhà.
Cần khảo sát, điều chỉnh linh hoạt
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, mẫu thiết kế định hình bó vỉa hè đã được quy định rõ gồm 3 loại. Một là bó vỉa để xe không thể vượt qua, được thiết kế có mặt ngoài gần như thẳng đứng, đủ cao để ngăn các loại xe đi lên vỉa hè và có xu hướng không đi chệch khỏi đường. Loại bó vỉa thứ hai là có mặt ngoài nghiêng, các phương tiện có thể vượt qua trong những trường hợp cần thiết và loại cuối cùng được thiết kế cho các phương tiện có thể chạy qua dễ dàng. “Cấu tạo của bó vỉa có nhiều dạng khác nhau nhưng cao độ tối thiểu phải hơn mép ngoài lề đường ít nhất 12,5 cm. Tại TP HCM, người dân phản ánh một số tuyến đường có bó vỉa quá cao nhưng thực tế vẫn nằm trong quy chuẩn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ ghi nhận những phản ánh này và khảo sát cụ thể từng tuyến đường để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm việc đi lại được thuận tiện và an toàn” - đại diện Sở GTVT TP cho biết.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc thiết kế bó vỉa đã có quy chuẩn rõ ràng và ở phần lớn các tuyến đường hiện nay, bó vỉa được thiết kế để ngăn các loại xe chạy tràn lên vỉa hè. Tuy nhiên, ông Sanh nói trên địa bàn TP HCM còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán dẫn đến việc nhiều người chạy xe lên vỉa hè khi có nhu cầu. Chưa kể tình trạng nhiều tuyến đường thường xuyên bị ùn ứ, các phương tiện phải leo lên vỉa hè để lưu thông nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nếu bó vỉa được thiết kế không phù hợp. Ông Sanh cũng cho rằng ở một số tuyến đường, việc thiết kế bó vỉa bằng loại đá granit dễ trơn trượt nên ngành giao thông cần nghiên cứu để sử dụng vật liệu hợp lý hơn.
Theo TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM), hiện một số tuyến đường trên địa bàn TP, bó vỉa hè được thiết kế cao dù vẫn nằm trong mức cho phép nhưng một số khu vực không còn phù hợp với thực tế, không đồng bộ nên các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh. “Quy chuẩn thiết kế do mình đặt ra thì mình cũng có thể thay đổi để phù hợp với thực tế” - TS Cương cho biết.
Chịu tiếng làm sai để được an toàn
Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đến 8 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi vi phạm “xây, đặt bục bệ trái phép trên đường phố; tự ý đập phá, tháo dỡ bó vỉa hè hoặc sửa chữa, cải tạo vỉa hè trái phép”. Theo các chuyên gia, việc người dân tự ý đổ bê-tông tràn xuống lòng đường hoặc xây các bậc đệm là sai quy định, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và làm mất mỹ quan đô thị. Những khu vực có vỉa hè thiết kế cao, không phù hợp thì người dân nên phản ánh với Sở GTVT TP để điều chỉnh chứ không nên tự ý xây dựng các bậc đệm tràn xuống lòng đường.
Tuy nhiên, nhiều người dân nói rằng nếu việc xây dựng phù hợp thực tế thì họ sẽ không phải làm như vậy, thà làm sai mà an toàn!